Vì sao tai nạn giao thông vẫn nhức nhối?

Thế Tuấn 21/11/2022 07:00

Tại chương trình “Người bạn đường” và lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2022 tại Việt Nam do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức tối 19/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, chỉ riêng 11 tháng năm nay, TNGT đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 đồng bào. Đó là những con số thật nhức nhối. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, ở Việt Nam, mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã nỗ lực rất nhiều, nhưng mỗi năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT. Hơn 11.000 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Đây là năm thứ 11 Việt Nam cùng thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.

Tại lễ tưởng niệm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe, không phóng nhanh vượt ẩu, luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, luôn thắt dây an toàn khi đi ô tô, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, cùng nhau xây dựng môi trường giao thông thân thiện, văn minh.

Nhiều năm qua, TNGT vẫn luôn làm xã hội nhức nhối, xót xa. Đặc biệt là những vụ TNGT do xe khách rất thảm khốc khi số người thiệt mạng cũng như số người bị thương tật rất lớn. TNGT không chỉ lấy đi nhiều sinh mạng mà còn để lại nỗi đau vô cùng cho người thân của họ. Có những đứa trẻ bỗng mất cha, mất mẹ. Em mất anh, chị mất em. Ông bà mất cháu. Với những người may mắn còn sống thì những sang chấn tâm lý cùng sự hành hạ của thương tật sẽ theo họ suốt đời. Có những người bị thương nặng không thể tự lo cho bản thân, phải sống nhờ vào người khác, trở thành gánh nặng đeo đẳng người thân, gánh nặng xã hội.

Một thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân lớn nhất gây ra TNGT đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%. Các vi phạm khác như chạy quá tốc độ, lái xe sử dụng chất kích thích (rượu bia, ma túy); công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng...

Trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT kể trên thì việc lái xe (ô tô và cả xe máy) đã được nói nhiều, nhưng vẫn không giảm. Khi đã dùng chất kích thích thì khó điều khiển tay lái, khó làm chủ tốc độ. Rượu bia, đặc biệt là ma túy gây phấn khích, khiến người ta “không biết sợ”, mất ý thức tuân thủ luật lệ giao thông. Qua những vụ TNGT cho thấy, đây là nguyên nhân rất quan trọng khiến môi trường giao thông mất an toàn, kể cả chưa gây ra tai nạn.

Lâu nay, chúng ta vẫn nói về văn hóa giao thông đi cùng với những đợt tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông. Nhưng trên thực tế, điều đó chưa hình thành và nếu có thì cũng không bền vững. Tại đô thị, việc vượt đèn đỏ vẫn diễn ra. Kể cả những tuyến phố nhỏ hẹp, đông đúc thì người đi đường vẫn chen lấn, tạt ngang, tạt dọc, tranh đường bất chấp sự khó chịu và bất tiện cho những người cùng tham gia giao thông. Tại không ít thành phố, nạn tập hợp đua xe không chấm dứt vẫn là nỗi kinh hoàng của người dân.

Vùng nông thôn, kể cả miền núi thì vi phạm giao thông khá phổ biến. Nhất là việc người dân không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trên những con đường liên xã, liên huyện dễ dàng thấy những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hình như thói quen đội mũ bảo hiểm đang dần mất đi khi mà lực lượng chức năng không xử phạt nghiêm như trước.

Trở lại với con số 6.000 người tử vong do TNGT chỉ trong 11 tháng của năm nay càng cho thấy vấn đề vẫn rất trầm trọng. Cho dù số vụ tai nạn, số người thương vong có giảm so với trước đi nữa thì vẫn là tổn thất quá lớn, là nỗi đau quá lớn.

Xây dựng được ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức văn hóa khi tham gia giao thông cần phải được liên tục nhắc nhở, không chỉ là trong những tháng cao điểm mà là hàng giờ, hàng ngày. Mặt khác, việc xử phạt nghiêm những lỗi vi phạm khi tham gia giao thông là rất cần thiết, nhằm nhắc nhở và răn đe người vi phạm không tái phạm cũng như làm gương cho người khác. Ở đây, vai trò của Cảnh sát giao thông là chính. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong nhà trường phổ thông có sinh hoạt ngoại khóa về an toàn giao thông. Đó là việc rất cần thiết nhưng nhiều nơi tổ chức chỉ mang tính hình thức nên hiệu quả không cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao tai nạn giao thông vẫn nhức nhối?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO