Vì sao thời tiết cực đoan?

Thanh Đức 29/08/2021 09:09

Evia là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt cháy rừng “như ngày tận thế”.

“Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa” - anh Kostis Angelou, một nông dân trên đảo Evia (Hy Lạp) nói khi lang thang giữa xác những con dê mà mình tự tay nuôi lớn.

Đàn dê 372 con của gia đình anh đã bị thiêu chết bởi những đám cháy bùng phát dữ dội khi mà nhiệt độ không khí lên quá cao. Cánh rừng tươi tốt giờ chỉ còn là một vùng đất âm ỉ bốc khói.

Trong căn nhà ở ngôi làng Kerasia, bố của Kostis - ông Spyros Angelou, 73 tuổi, rã rời khi phải đối mặt với thảm họa. “ Tôi lớn lên cùng những đàn dê. Rừng cây bị đốt cháy, đồng ruộng cũng bị thiêu rụi. Rồi chúng tôi sẽ chẳng còn cái để ăn. Chúng tôi phải sống thế nào đây?” - ông lão đau đớn nói.

Evia là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt cháy rừng “như ngày tận thế”. Nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 7 như trút lửa xuống hòn đảo. Rừng cây, ruộng đồng khô cháy còn nguồn nước ngầm thì cạn kiệt. Rồi đến tháng 8 thì rừng bắt đầu bốc cháy. Người dân trên đảo bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Nhiều người vội vã lên những chuyến phà rời đảo, để lại sau lưng những ngôi nhà chờ cháy.

Không chỉ ở Hy Lạp, mà nhiều quốc gia châu Âu cũng đã phải chịu đựng một mùa hè nắng nóng khủng khiếp. Mùa hè năm nay thật bất thường khi nhiệt độ trung bình tháng 7 và nửa đầu tháng 8 cao nhất trong vòng 60 năm qua.

Nhưng, trong khi một số nơi nắng nóng kinh hoàng thì một số nơi lại mưa liên miên như trút nước. Tây Âu, một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản; một số quốc gia châu Mỹ lại phải đương đầu với những trận mưa lớn gây ra nạn lụt khủng khiếp.

Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) nói với NHK rằng: “Chúng ta vẫn không thể biết chắc từ nay tới mùa thu có còn đợt mưa lớn nào nữa không”.

Theo các nghiên cứu khoa học, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều và càng dữ dội chủ yếu là do nhiệt độ ngày một nóng hơn.

Một báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên hợp quốc (GIEC) đã khẳng định: Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn mức dự báo trước đây, và rõ ràng là do con người gây ra.

Tương tự, một báo cáo khoa học về khí tượng của Australia đã cảnh báo trong 10, 20 năm nữa, thiên tai còn diễn ra khủng khiếp hơn, nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên như hiện nay.

Bà Jaci Brown, Giám đốc Trung tâm Khoa học về khí hậu của CRISCO (Cơ quan khoa học quốc gia Úc) nói rằng, vào thế kỷ tới những ngày nóng nhất của năm 2021 cũng chỉ là “một ngày mát mẻ”.

Hiện tại, nhiệt độ Trái Đất đã tăng hơn 1,44 độ C, so với năm 1910, từ đó dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Không khí nóng lên 1,44 độ C thì nhiệt độ của các đại dương cũng tăng lên 1 độ C, khiến đại dương bị axit hóa, dẫn đến việc san hô - được mệnh danh là “rừng của biển”, nơi trú ẩn chủ yếu của các loài sinh vật biển cũng bị hủy diệt với tốc độ nhanh chóng.

Diễn đàn Davos cũng từng đưa ra cảnh báo: Nhân loại đang “nhắm mắt đi vào cuộc khủng hoảng mới mang tên biến đổi khí hậu”. Thật đáng tiếc là trong khi đó những quyết tâm phối hợp mang tính toàn cầu để hóa giải chúng dường như thiếu vắng.

Còn nhà môi trường nổi tiếng Marine Floy cho rằng, năm 2021 sẽ vĩnh viễn đi vào ký ức nhân loại khi mà đại dịch Covdi-19 với biến thể Delta tung hoành, cùng với đó là ngập lụt và những cánh rừng bốc cháy. “Cùng một lúc con người phải căng sức chống chọi. Nhưng thật đáng tiếc là trong đó chúng ta phải chống chọi lại chính những gì do mình gây ra, đó là việc hủy hoại môi trường sống của chính mình” - bà Marine nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao thời tiết cực đoan?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO