Vì sao Thủ đô 'khát' công viên?

Giang Vương 24/11/2022 07:33

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 60 công viên, khu vui chơi công cộng để phục vụ người dân Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân Hà Nội luôn đối diện với tình trạng “khát” không gian công cộng, nơi sinh hoạt cộng đồng. Đâu là nguyên nhân của “cơn khát” này?

Công viên Thiên Văn Học hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Không gian xanh ngày càng thu hẹp

Những ngày cuối tuần, Công viên Yên Sở (phường Yên Sở - quận Hoàng Mai) rất đông đúc. Người dân từ khắp nơi của Thủ đô đổ về công viên để hưởng thụ không khí ngày cuối tuần ở đây.

Anh Lê Văn Duẩn (43 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhà anh ở khu đô thị Xa La, hai vợ chồng đi làm cả tuần, tất cả mọi sinh hoạt của hai đứa trẻ phụ thuộc vào ông bà nên tranh thủ ngày cuối tuần, anh đều đưa bọn trẻ đến Công viên Yên Sở, vì theo anh ở đây có quang cảnh đẹp, nhiều màu xanh và có chỗ cho trẻ con chơi. “Thật khó để kiếm được một không gian trong đô thị thoáng đãng như thế này. Dưới sân khu chung cư tôi ở, hàng quán lấn chiếm hết rồi” – anh Duẩn chia sẻ.

Vừa nhóm củi để nướng đồ, nhóm bạn trẻ Hà Văn Huy, Nguyễn Tiến Thuật, Trương Thúy Kiều… là những sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Vài tuần một lần, chúng em rủ nhau ra đây cắm trại, nướng đồ ăn. Các bạn cùng lớp ai có việc thì về quê, nhóm bạn khác có điều kiện hơn thì rủ nhau đi phượt ở xa hơn. Còn chúng em lấy Công viên Yên Sở này làm nơi xả stress sau những ngày học vất vả”.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện Hà Nội chỉ có một vài nơi có không gian công cộng nhiều màu xanh, đáng để thư giãn như Công viên Yên Sở, Công viên Thủ Lệ, vườn Bách Thảo, Công viên Lê Nin. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, ở Thủ Lệ, Bách Thảo hay công viên Thống Nhất không có những không gian để giới trẻ tổ chức các buổi dã ngoại như ở công viên Yên Sở.

Hà Nội với mật độ dân số đông, tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi…đã khiến người dân Thủ đô luôn thấy ngột ngạt. Chính vì thế, không gian xanh góp một phần quan trọng trong việc điều hòa không khí, cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Những “lá phổi xanh” ngày càng được coi trọng và coi là chìa khóa vàng để cải thiện môi trường sống cho Thủ đô.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có tới hơn 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ để phục vụ người dân Thủ đô. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, số lượng công viên lớn như vậy nhưng người dân vẫn rất “khát” không gian xanh, do rất nhiều không gian công cộng, công viên đã bị bỏ hoang.

Hoang tàn những “lá phổi xanh”

Khởi công xây dựng từ năm 2017 với diện tích 12ha, tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, Công viên Thiên Văn Học (phường Dương Nội – quận Hà Đông – Hà Nội) được kỳ vọng là một công viên ngoài trời hấp dẫn với nhiều không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại công viên vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Theo khảo sát của phóng viên, bao quanh công viên Thiên Văn Học này là rào chắn và các chốt bảo vệ. Người dân chỉ có thể tập thể dục phía ngoài hàng rào chứ không thể vào phía trong khuôn viên. “Chúng tôi cũng muốn vào công viên để tập thể dục nhưng bảo vệ không cho vào” – ông Nguyễn Tiến Trung, 76 tuổi, người dân sống cạnh khu vực cho hay.

Tiếp đó là Công viên Khu đô thị Việt Hưng (phố Đoàn Khuê, Vạn Hạnh, quận Long Biên, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Và đô thị đầu tư với diện tích 157.000m2 ở các hạng mục cây xanh, vườn hoa…Và được bàn giao cho UBND quận Long Biên quản lý từ năm 2016. Tuy nhiên, công viên này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Được biết, năm 2019, Công viên Việt Hưng được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào danh mục xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, cải tạo và xây dựng mới trên khuôn viên có sẵn.

Theo quan sát của chúng tôi, lan can an toàn bao quanh ven hồ nhiều chỗ đã bị rỉ sét, gãy đổ. Một số khu vực trở thành nơi người dân mở quán nước. Đáng chú ý, trong khuôn viên của Công viên này xuất hiện một số hộ dân căng lều, bạt để chăn nuôi, trồng trọt và chơi cây cảnh…

Không khá hơn, các Công viên Chu Văn An, Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội... cũng chung cảnh ngộ.

Ngược thời gian, khảo sát những công viên đã đi vào hoạt động và có thâm niên hàng chục năm cũng rơi vào tình trạng xuống cấp như Công viên Thống nhất, Công viên Cầu Giấy, Công viên Hồ Đền Lừ… đều trong tình trạng xuống cấp như đường đi, vỉa hè, khu vui chơi đều nằm phơi nắng, phơi sương….

Đặc biệt là Công viên Tuổi Trẻ (đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,5ha với tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay công viên này vẫn là dự án “treo”.

Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, cần rà soát tổng thể tất cả các công viên cũ và mới để có một cách đánh giá đúng hơn về công cuộc xây dựng “lá phổi xanh” cho Hà Nội. “Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3102/QĐ-UBND thành lập ban chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và cần kíp” – bà An nêu quan điểm.

Cũng theo bà An, song song với đó cần rà soát lại tổng thể các công viên cả mới và cũ để có những đánh giá một cách khách quan và triệt để, không chỉ là sân chơi, khu công cộng cho người dân Thủ đô, mà cần phát huy hiệu quả “lá phổi xanh” của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Thủ đô 'khát' công viên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO