Vì sao treo biển 'Về ăn cơm', cửa hàng xăng dầu lại bị phạt 10 triệu?

Hoàng Chiến 07/10/2021 14:04

Trước vụ việc của hàng xăng dầu tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) treo biển “về ăn cơm” bị lực lượng QLTT xử phạt hành chính 10 triệu đồng, PV Đại Đoàn Kết Online đã có trao đổi với luật sư về các quy định trong vấn đề này.

Như đã đưa tin trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng xăng dầu Minh Quang thuộc Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Phú Hưng.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện Cửa hàng xăng dầu Minh Quang đang treo biển “về ăn cơm” nghỉ không bán hàng, trong đó 2 cột dầu diesel và xăng E5-RON 92 đã ngắt điện nguồn và không có nhân viên tại cửa hàng.

Cửa hàng này sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng về hành vi “Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.

Cửa hàng xăng dầu Minh Quang, thuộc Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Phú Hưng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:

"Theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng vi “Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.

Hiện nay quy định pháp luật không quy định cụ thể về thời gian nghỉ trưa của người lao động. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 Bộ luật lao động 2019: "2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động." Như vậy, người sử dụng lao động phải quy định rõ thời giờ nghỉ trưa cho lao động trong nội quy lao động".

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Tiền, cần phải xem xét toàn bộ sự việc xảy ra trên thực tế và đối chiếu với quy định của pháp luật. Theo các giấy tờ của hàng xuất trình thì thời gian bán hàng đã đăng ký với cơ quan chức năng là từ 7h đến 19h hằng ngày.

Cần phải làm rõ thời gian cửa hàng treo biển “về ăn cơm” chính xác là thời gian nào? Đó có phải là thời gian của hàng được phép nghỉ ăn trưa, ăn tối không? Thời gian đã đăng ký bán hàng của cửa hàng với cơ quan chức năng có quy định về giờ nghỉ ăn trưa, ăn tối không.

Đồng thời, cũng phải xem xét quy định phân công công việc, thời gian làm việc tại cửa hàng có sự thay ca giữa các nhân viên hay không mới có thể đánh giá hành vi treo biển “về ăn cơm” của cửa hàng có vi phạm quy định pháp luật và xác định mức xử phạt cho phù hợp, luật sư khẳng định.

Điều 5, Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc quy định:

Nghỉ trong giờ làm việc:

  1. Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 08 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 06 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.
  2. Ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường được quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao treo biển 'Về ăn cơm', cửa hàng xăng dầu lại bị phạt 10 triệu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO