Vì sao xe buýt chưa hút khách?

Lê Khánh 30/11/2022 20:14

Nhằm tìm giải pháp thu hút đến với xe buýt, ngày 30/11, tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm gì để xe buýt hấp dẫn hơn?".

Làm gì để xe buýt hấp dân hơn?

Hà Nội đã trở thành một đại đô thị với quy mô dân số lên tới hơn 8,3 triệu dân. Đáng chú ý, thành phố hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Dù hạ tầng giao thông thành phố đã có sự phát triển nhanh chóng, nhiều cây cầu được xây mới, nhiều tuyến đường được mở rông, nhiều hầm chui được xây dựng. Song tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Trong bối cảnh ùn tắc liên tục diễn ra, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông.

Tọa đàm "Làm gì để xe buýt hấp dân hơn?" của Báo Giao thông.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, theo tính toán, đến hết tháng 10, các lực lượng tham gia vận tải công cộng (VTCC) (bao gồm xe buýt, tàu điện…) đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là con số khá khiêm tốn, và chỉ tiêu chúng ta đặt ra cho 2022 là khoảng 21-23%.

“Ngành giao thông đang phải phấn đấu tích cực, nỗ lực vì suốt nửa già năm 2022, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Xe buýt mới trở lại hoạt động bình thường vào tháng 8 nên sản lượng năm nay không thể bằng thời điểm trước dịch. Nhưng chúng tôi dự báo, với sự nỗ lực của các cấp các ngành, chúng ta có thể đẩy mạnh sản lượng VTCC phục hồi dần trong thời gian tới”, ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng công tác vận hành… riêng về yếu tố chủ quan, thành phố đang chỉ đạo tập trung vào 1 số yếu tố chính như mạng lưới chưa hợp lý khiến nhiều chuyến đi bị lòng vòng làm giảm tính hấp dẫn; tính liên thông, trung chuyển nội mạng còn thiếu; trùng lặp tuyến…

Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ, có 2 thành phần chính là phương tiện và người lái, người phục vụ trên xe buýt đều còn tồn tại một số vấn đề. Đâu đó chúng ta vẫn còn nghe những trường hợp lái xe ẩu, phương tiện xập xệ,… làm giảm tính hấp dẫn.

Một yếu tố nữa là chất lượng vận hành, theo khảo sát, đa số hành khách đều cho biết thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ. Thậm chí, nhiều hành khách còn nói chúng tôi chấp nhận đi xe chất lượng thấp hơn nhưng phải đúng giờ.

Bên cạnh đó, những dịch vụ phụ trợ như thông tin hành khách, hạ tầng, khả năng kết nối tiếp cận vẫn đang còn nhiều tồn tại; Lượng phương tiện công cộng chỉ chiếm một lượng nhỏ so với nhu cầu đi lại; Nhận thức của người dân với phương tiện công cộng còn nhiều định kiến.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện sản lượng xe buýt vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, hiện nay vẫn cần rà soát lại mạng lưới xem đã hiệu quả chưa, tính kết nối như thế nào, phát triển giữa các phương thức vận tải, các loại hình vận tải đã hợp lý chưa. Tổng hòa của rất nhiều yếu tố đó khiến bức tranh vận tải hành khách công cộng chưa được đẹp, hấp dẫn để người dân sẵn sàng từ bỏ xe máy, phương tiện cá nhân để chuyển sang xe buýt.

Cần nâng cao chất lượng phục vụ

Chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình cho biết, mạng lưới xe buýt ở Hà Nội được phủ rất rộng; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến xe trong ngày đủ dài để đáp ứng nhu cầu của người dân; tần suất các chuyến xe khá dày, mức chi phí rất rẻ để đáp đứng nhu cầu đa số người dân.

“Mặc dù có đặc tính ưu việt như vậy nhưng con số hành khách các tuyến buýt đảm nhận vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Thế nhưng, tôi cho rằng con số 17,8% khá ấn tượng, tăng rõ rệt so với các năm trước chỉ đạt 9-10%.

Để xe buýt cạnh tranh với các phương tiện khác, theo tôi, điều cần làm là được ưu tiên trên mặt đường, bởi xe buýt là phương tiện yếu thế trong cạnh tranh với ô tô, xe máy do không kết nối được 2 đầu chuyến đi mà bắt buộc phải đi bộ. Do đó, chỉ khi nào xe buýt có được làn ưu tiên trên mặt đường, có một làn ưu tiên để chạy trong giờ cao điểm để những người lái ô tô phải nhìn với con mắt ghen tị, thèm thuồng thì mới nghĩ đến chuyện bỏ ô tô đi xe buýt”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhấn mạnh.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, kết nối, tăng cường thông tin cho hành khách, phát triển nhiều loại hình vận tải khác thì xe buýt mới ngày càng hút khách.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng nhân định, chúng ta vẫn rụt rè, cứ đưa tuyến BRT vào vận hành là người dân có ý kiến phản đối vì chiếm hết 1 làn. Vậy chiến lược của thành phố ưu tiên phương tiện công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân sẽ thực hiện thế nào nếu vẫn rụt rè trong việc ưu tiên xe buýt trên mặt đường?

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Hà Nội cho hay, nhiệm vụ trước mắt, sắp tới, các cơ quan của Sở, phòng vận tải và trung tâm phải tiếp tục tham mưu để tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt với các loại hình vận tải khác, ví dụ tuyến BRT và đường sắt đô thị khi xe buýt kết nối vào, tính hấp dẫn đã đủ chưa hay cần các phương tiện có sức chứa nhỏ hơn để gom với tần suất dày hơn, giảm thời gian chờ đợi và chuyến đi của hành khách.

Cùng đó, việc cung cấp thông tin cho hành khách như phần mềm tìm xe buýt chưa đầy đủ các tuyến. Nếu có thông tin đầy đủ sẽ giúp hành khách có thể cân đối thời gian để sắp xếp hợp lý. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của xe buýt cũng phải tính đến thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên.

Ví dụ, khi Vinbus tham gia vào mạng lưới, rõ ràng thái độ phục vụ trên xe buýt điện tốt hơn trên xe buýt khác, không bao giờ nhận được phản ánh hiện tượng khách đi cửa trước lại mở cửa sau tạo bức xúc cho người dân. Từ đó, các đơn vị vận tải cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên lái xe về thái độ phục vụ hành khách.

Về cơ cấu, xe buýt phải đúng giờ về thời gian để thu hút hành khách, tuy nhiên, theo ông Tuyển, việc đưa đón con đi học cũng khiến người dân dè chừng trong việc đi xe buýt. Do đó, cần tổ chức được loại hình buýt học sinh sẽ giảm áp lực cho buýt của thành phố.

“Tôi thấy rằng, một yếu tố khác rất quan trọng đó là việc xã hội chưa quan tâm ưu tiên xe buýt, vận tải hành khách công cộng, cũng rất đáng lo ngại. Trong kế hoạch 201 của TP Hà Nội cũng đề ra 14 tuyến đường để ưu tiên thực hiện dần đến năm 2025 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Do đó, cần có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, quan tâm xe buýt. Như vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: nâng cao chất lượng, kết nối, tăng cường thông tin cho hành khách, phát triển nhiều loại hình vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải từ đường sắt đô thị, xe buýt đến các loại hình khác như xe điện bốn bánh, hai bánh, taxi xe hợp đồng’, ông Tuyển nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao xe buýt chưa hút khách?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO