Vị thế người thầy trong xã hội hiện đại - Bài 2: Bao giờ hút được người tài vào sư phạm?

Minh Quang - Mạnh Dũng 17/11/2017 08:50

UNESCO đã tổng kết: Chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Theo GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đây là tổng kết của nhân loại và cũng là câu nói xúc tích nhất về vai trò của người thầy hôm nay.

Cô và trò.

Từ thực tiễn đòi hỏi của cuộc sống, đặc biệt là những điều nhìn thấy rõ nhất trong mùa tuyển sinh 2017 vừa qua, vấn đề quan tâm nhất của xã hội hiện nay là làm thế nào để hút được người tài theo học các trường sư phạm.

Loay hoay quy hoạch

Mùa tuyển sinh 2017 vừa rồi, có những thí sinh chỉ đạt 3 điểm/ môn thi đã có thể được vào học ở một trường sư phạm địa phương.

Điều này khiến dư luận lo ngại đến sôi sục về chất lượng giáo viên trong tương lai, về gánh nặng cho xã hội. Do đó đại đa số ý kiến cho rằng: Cần phanh gấp hiện tượng nguy hiểm “thầy giáo 3 điểm”.

Nhưng phanh bằng cách nào? Ngay sau mua tuyển sinh ĐH - CĐ 2017, nhiều hội nghị bàn về quy hoạch các trường sư phạm cũng đã được tổ chức.

Vậy bao giờ có đề án quy hoạch cụ thể, điểm sàn riêng cho các trường sư phạm đã áp dụng ngay trong mùa tuyển sinh 2018 hay chưa? Cho đến thời điểm này, đây vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Không phải đến tận năm 2017, thực trạng ngành sư phạm lúc lên cao, lúc xuống “đáy” đã diễn ra trong suốt mấy chục năm qua. Có thời kỳ phải “vét”, chấp nhận tuyển thấp để có giáo viên, còn bây giờ thì hàng nghìn giáo viên ra trường không có việc làm. Nhiều chục năm trôi qua, bài toán thừa - thiếu giáo viên chưa được giải quyết thấu đáo.

Phân tích về những bất cập này, TS Đàm Quang Minh cho rằng mất cân đối cung cầu khiến sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm luôn thuộc “top” đầu về thất nghiệp, gây lãng phí lớn trong đào tạo, tuyển sinh.

TS Lê Viết Khuyến- nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định: Giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm nghe thì hay nhưng lâu nay chúng ta có làm được đâu.

Bởi địa phương nào cũng muốn có trường, trường mở tràn lan nhưng không quan tâm đến định hướng nguồn nhân lực. Chuyện này lặp đi lặp lại nhiều năm qua, nguyên nhân chính là do có sự chồng chéo, lẫn lộn giữa Nhà nước và phân cấp địa phương.

TS Khuyến đề xuất: Để giải quyết tình trạng này thì cần một bài toán tổng thể, có 2 con đường: Một là, Bộ GD&ĐT toàn quyền quản lý từ A-Z giống như ngành công an, quân đội.

Hai là, phân cấp triệt để cho địa phương, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý nhà Nhà nước về chương trình, chỉ tiêu, chất lượng đào tạo...

Hệ thống quản lý giáo viên hiện nay rất lửng lơ, vừa Bộ GD&ĐT, vừa địa phương quản lý và phân bổ con người lại do Sở Nội vụ làm.

Tất cả những khâu đó gần như không có sự gắn kết với nhau. Theo đó, nên quy tất cả về một mối và phải nêu rõ trách nhiệm thực sự trong việc quản lý sản phẩm do các trường sư phạm đào tạo ra. Còn như hiện nay thả nổi, chả ai chịu trách nhiệm...

Không dễ hút người tài

Muốn thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, ngành giáo dục phải có nhiều chính sách đãi ngộ. Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục khi bàn về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các trường sư phạm.

ThS Lê Thị Quỳnh Nga (Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nêu ví dụ về việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan như bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Các trường ở Phần Lan chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và có đạo đức nghề nghiệp cao đẹp. Con đường vào ngành sư phạm cạnh tranh rất khốc liệt, chỉ có khoảng 10% ứng viên trúng tuyển.

Ví dụ như ở Trường ĐH Helsinki, hàng năm có khoảng 2.000 ứng viên nộp đơn xin vào ngành sư phạm tiểu học và chỉ có 120 ứng viên được nhận.

TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngành sư phạm muốn thu hút người tài phải thay đổi chế độ đãi ngộ cho các giáo viên vì so với mặt bằng xã hội, lương giáo viên hiện nay rất thấp, không đảm bảo cuộc sống cho chính họ.

Không ít giáo viên phải “chân ngoài dài hơn chân trong” để làm thêm kiếm sống. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.

Do đó, muốn thu hút người tài cần phải làm cuộc cách mạng tuyển sinh từ đào tạo cho tới sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ. Nếu đáp ứng đủ các tiêu chí đó, ngành sư phạm sẽ có những thí sinh tài giỏi thi tuyển vào.

Vậy điều đó có đúng không? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, lâu nay những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... “chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác”.

Ngoài ra, tâm lý xã hội, xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực các ngành... cũng tác động khiến học sinh chưa thực sự hứng thú với nghề giáo để đăng ký học và các trường địa phương buộc phải lấy mức chuẩn bằng điểm sàn.

Trong khi chính sách đãi ngộ để thu hút người tài không phải do ngành giáo dục có thể quyết định; chế độ lương cho giáo viên đã được quy định bằng thang bảng lương của Nhà nước, thì việc nâng mức sống cho giáo viên từ ngân sách quốc gia hiện vẫn chỉ là mong đợi, trông ngóng của người làm nghề.

Giải quyết bài toán mất cân đối cung cầu

Nhưng giải quyết lương, đời sống cho giáo viên không phải là tất cả. Trong chiến lược dài hơi đổi mới, quy hoạch lại khối ngành sư phạm cần có sự điều chỉnh theo đúng quy luật cung cầu.

Bởi vào học là một chuyện, nhưng các sinh viên sư phạm sau khi học xong cần có sự đảm bảo về chất lượng đầu ra cũng như vấn đề việc làm.

Những trăn trở của những thầy cô giáo mà chúng tôi đã gặp hoàn toàn có cơ sở, bởi đã nhiều năm trở lại đây, học xong ngành sư phạm, sau khi ra trường, các sinh viên phải vất vả đi xin việc, phải đi làm nhân viên tiếp thị, chạy xe ôm…

Không ít sinh viên may mắn xin được việc thì lại phải lặn lội tới vùng sâu, vùng xa để dạy học. Tuy khó khăn, vất vả, nhưng lại chỉ được tuyển dụng ở chế độ hợp đồng ngắn hạn, có thể mất việc bất cứ lúc nào.

TS Đàm Quang Minh phân tích: Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý I năm 2017 của Bộ LĐTB&XH, 460.000 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Tỷ lệ ngành nghề chưa có việc làm cao nhất là Kinh doanh và Quản lý (27,9%), Công nghệ Kỹ thuật (13,6%), Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên (13,5%).

Như vậy, số lao động chưa có việc làm ngành giáo dục và sư phạm khoảng 62.000 người. Những năm qua, ngành sư phạm cũng nổi lên nhiều sự kiện liên quan việc làm của giáo viên.

Câu chuyện xếp hàng chờ biên chế hoặc buộc thôi việc hàng loạt giáo viên hợp đồng đã tạo ra những tranh cãi lớn về đảm bảo công ăn việc làm cho giáo viên.

TS Minh cho rằng, khi chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm chưa được cân nhắc một cách đầy đủ, ắt dẫn tới việc thiếu nguồn thí sinh đầu vào và điểm chuẩn thấp ở ngành đào tạo đòi hỏi chất lượng cao này. Đó là diễn biến tất yếu theo quy luật cung cầu. Do đó, mô hình đào tạo sư phạm theo đó cần có sự linh hoạt hơn.

Mô hình trường sư phạm ngày nay cần được chuyển thành đại học giáo dục với nhiệm vụ chính đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ về giáo dục. Một cơ sở đào tạo phổ thông cũng cần được dẫn dắt bởi những chuyên gia giáo dục thực thụ hơn là giáo viên đơn thuần.

Bàn về vấn đề này, cô Đặng Thị Phương Thảo- giáo viên Trường THPT Giao Thủy (Nam Định), người trực tiếp đứng lớp chia sẻ: Để có người thầy giỏi, chúng ta phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Đây là yếu tố then chốt từ đó đặt ra vấn đề chất lượng đầu vào của các trường sư phạm phải được quản lý như thế nào? Theo đó, các trường sư phạm phải thắt chặt các chỉ tiêu tuyển sinh, không thể tuyển sinh ồ ạt như hiện nay.

Bộ GD&ĐT phải kết hợp với Bộ LĐTB&XH vào cuộc mạnh mẽ về vấn đề này, đánh giá nhu cầu xã hội thật chặt liên quan đến đầu vào các trường đại học, nhất là những người sau này sẽ bước vào ngành sư phạm vì sản phẩm của họ là con người mới, thế hệ tương lai.

Cô Phương Thảo cũng cho rằng, hiện có hai vấn đề then chốt để giải quyết bất cập về chất lượng giáo viên. Đó là, ngành sư phạm phải siết đầu vào để tạo ra người thầy giỏi, đồng thời phải phân quyền mạnh mẽ cho giáo viên được chủ động lựa chọn kiến thức để truyền đạt cho học sinh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nội dung về việc cần có cơ chế để người thầy chủ động với công cuộc đổi mới giáo dục ở bài viết sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thế người thầy trong xã hội hiện đại - Bài 2: Bao giờ hút được người tài vào sư phạm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO