Việc làm cho người lao động

Miên Thảo 10/08/2020 07:49

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố cả nước. Trước tình hình đại dịch loang rộng trên phạm vi toàn cầu thì việc Chính phủ Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, tránh là đương nhiên. Vì thế, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội cũng là điều không thể tránh khỏi.

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG.
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: Việt Dũng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất, với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế). Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Bằng những biện pháp quyết liệt, chống dịch như chống giặc, chặn dịch bên ngoài - dập dịch bên trong… 2 Chỉ thị 19 và 16 của Chính phủ với các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau đã giúp đất nước không bị dịch bệnh tàn phá. Trong suốt 99 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng. Từ đó, kinh tế có cơ hội hồi phục.

Tuy nhiên, tính từ ngày 25/7, khi xuất hiện ca Covid-19 mới tại Đà Nẵng, đất nước lại phải quay lại gồng mình chống dịch. Đà Nẵng nhanh chóng trở thành tâm dịch với nhiều ca lây nhiễm, 3 bệnh viện lớn bị cách ly, nhiều khu dân cư bị phong tỏa. Do dịch lần này không có nhiều biểu hiện lâm sàng cũng như dịch tễ nên đã âm thầm lây lan. Có khoảng 1,4 triệu người ở các tỉnh thành đã từng tới Đà Nẵng trong thời gian này và đều phải thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm.

Từ đó, nhiều địa phương đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 liên quan tới Đà Nẵng, tạo ra nguy cơ rất lớn cho cộng đồng. Cùng với Đà Nẵng, nhiều địa phương cũng đã buộc phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ đó, cả nước mỗi ngày lại có thêm hàng chục ca Covid-19 được phát hiện. Nếu như giai đoạn đầu chống Covid-19 (tính đến ngày 25/7) cả nước không có người thiệt mạng, thì vào giai đoạn hai này các ca tử vong đã xuất hiện.

Trong bối cảnh đó, việc hồi phục kinh tế-xã hội gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, cũng không thể đợi hết dịch, mà vẫn phải phát triển sản xuất kinh doanh. Quan điểm phải thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội vẫn phải được đẩy mạnh.

Nhưng, như đã nói, nếu trong giai đoạn đầu chống dịch, số người bị ảnh hưởng do dịch bệnh đã rất lớn, thì vào giai đoạn hai này tình hình sẽ diễn biến phức tạp hơn. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không loại trừ, mà có lẽ còn khó khăn hơn.

Hơn 90% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực này giải quyết rất đông số người lao động. Chính vì thế, nếu để doanh nghiệp nhỏ và vừa gục ngã cũng có nghĩa là hàng triệu người lao động không có thu nhập, giảm thu nhập do mất việc, giãn việc.

Trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ chưa có tiền lệ lên tới hơn 250.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, cùng đó là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 7 đối tượng nghèo bị ảnh hưởng trực tiếp. Khoản ngân sách đó chính là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp cũng như người nghèo. Nay, khi cuộc chiến chống Covid-19 được xác định là rất phức tạp, kéo dài thì cũng rất cần sự linh hoạt trong hỗ trợ để duy trì sản xuất kinh doanh, từ đó kéo giảm số người bị mất việc, buộc phải giãn việc, mất hoặc giảm thu nhập.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước tình hình khó khăn chung, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Sa thải lao động, cho nghỉ dài ngày… để tránh lỗ là điều các nhà kinh doanh thường áp dụng. Nếu vậy, gánh nặng sẽ đẩy ra xã hội, đẩy vào từng hộ gia đình. Hơn lúc nào hết, lúc này người lao động rất cần việc làm để duy trì sinh hoạt gia đình, dù chỉ là ở mức tối thiểu.

Như vậy, cùng với Chính phủ, hơn lúc nào hết lúc này rất cần cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn với người lao động. Nếu cả nước đã đồng lòng chống dịch thì cũng rất cần tinh thần đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mặt khác, cũng rất cần sự năng động của người lao động tìm cách đi qua khó khăn, dù rằng đó là điều không mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc làm cho người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO