Việt Nam - Hà Lan: Nhiều động lực thúc đẩy quan hệ song phương

H.M. (ghi) 02/08/2018 21:43

Năm 2018, hai nước Việt Nam- Hà Lan kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 45 năm (9/4/1973 - 9/4/2018), Việt Nam và Hà Lan đã cùng hợp tác, phát triển trong hòa bình và thịnh vượng, trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam - Hà Lan: Nhiều động lực thúc đẩy quan hệ song phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Ngân hàng Thế giới ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về hợp tác quản lý An toàn thực phẩm ở Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN).

Đại sứ Ngô Thị Hòa nhận định, về quan hệ song phương, Hà Lan là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào năm 1976 và cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan bắt đầu khởi sắc từ những năm đầu của thập kỷ 1990 khi khu vực Đông Nam Á bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Hà Lan.

Kể từ năm 1993 đã có rất nhiều các chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tạo cơ sở tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu là các chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 và 2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2018) và các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như Thủ Thủ tướng Wim Kok (1995), Thái tử Willem Alexander (2005 và 2011), Thủ tướng Mark Rutte (2014).

Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua, nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Sau khi điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước Đại sứ Ngô Thị Hòa cho rằng, Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia ven biển có vị trí chiến lược, có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với những thách thức về biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai nước có quan hệ hợp tác tốt đẹp và lâu dài về nông nghiệp.

Những điểm tương đồng đó đã đưa quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan từ mối quan hệ đối tác thông thường, phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010 và Quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào năm 2014.

Các thoả thuận đối tác chiến lược đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Jan Peter Balkenende ký kết vào tháng 10 năm 2010 và trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mark Rutte tới Việt Nam vào tháng 6 năm 2014. Với thỏa thuận trên, Hà Lan trở thành đối tác chiến lược ngành đầu tiên của Việt Nam.

“Trong những năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn; Chương trình thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu... Các cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan trong lĩnh vực này được tổ chức hằng năm, đến nay, đã là Phiên họp UBLCP lần thứ sáu (Hà Lan, 3/2017). Hà Lan cũng thực hiện nhiều dự án về cung cấp nước và quản lý nguồn nước tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương.”, bà Hòa cho biết.

Với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, Hà Lan đang từng bước giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn lương thực, trong đó có chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê. Từ đó đến nay, quan hệ hai bên phát triển không ngừng, toàn diện trên tất cả các mặt và ngày càng đi vào chiều sâu, nhằm mục đích phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi.

Từ tháng 1/2014, quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã chuyển từ hợp tác phát triển sang “đối tác thương mại”, đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm khoảng trên 20%. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,68 tỷ USD, và trong năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 13% so với cùng kỳ 2017), Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu EU lớn nhất của VN. Về đầu tư, hiện Hà Lan xếp thứ 11 trong số 116 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 304 dự án có tổng số vốn đăng ký là 8,17 tỉ USD và là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.

Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động hiệu quả như De Heus, Friesland Campina, Peja Vietnam, Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Akzo Nobel, Philips... Về phía Việt Nam đã có 7 dự án đầu tư vào Hà Lan với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,5 triệu USD.

Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, Việt Nam và Hà Lan còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác: Hợp tác quốc phòng; Trong lĩnh vực văn hóa; trong giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, trong 45 năm qua, hơn 60 trường Hà Lan và hơn 120 cơ sở đào tạo của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học. Tài trợ và học bổng của Hà Lan cho Việt Nam ước tính khoảng 90 triệu EURO. Văn phòng Hỗ trợ giáo dục Hà Lan (NUFFIC NESO Vietnam) chính thức hoạt động tại Việt Nam (2006) góp phần thúc đẩy thông tin học bổng, kết nối lưu học sinh... Hiện nay có khoảng 1000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan, con số này tăng lên hàng năm.

Trong chính sách đối với Châu Á và khối ASEAN, Hà Lan luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên. Nhà nước, Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cũng ủng hộ chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, mở rộng hợp tác với Hà Lan.

Trong xu thế đó, trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu của hai nước, các thỏa thuận hợp tác song phương đạt được trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2018) đã đặt dấu mốc quan trọng, định hướng quan hệ hợp tác của hai nước và tạo tiền đề cho hợp tác ở tất cả các cấp trong tương lai.

Trong năm 2017-2018, hai nước đã và đang tiếp tục tích cực triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược và các lĩnh vực mà hai nước ưu tiên và đã thỏa thuận bao gồm: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; nông nghiệp và an ninh lương thực; kinh tế biển và dịch vụ vận tải; thành phố thông minh và từng bước mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác.

Thực tế 45 năm quan hệ hợp tác đã cho thấy Việt Nam và Hà Lan là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của nhau. Cộng thêm những thành tựu hợp tác tốt đẹp mà hai nước đã đạt được, quan hệ Việt Nam - Hà Lan còn nhiều động lực để phát triển toàn diện trong tương lai.

Từ những kết quả đã đạt được, ĐS Ngô Thị Hòa bày tỏ tin tưởng, những con số và thành tựu hợp tác trên là những dấu hiệu tích cực và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Trên cơ sở các thế mạnh của nhau, trong thời gian tới, bà Hòa đưa ra một số thế mạnh của hai bên với hy vọng hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác tập trung vào các ưu tiên sau: Thứ nhất, tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp để làm tiền đề hậu thuẫn cho các mối quan hệ hợp tác khác thông qua duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn các cấp cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.

Thứ hai, triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược đang có trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu - quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực; mở rộng, hình thành những cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực có tiềm năng như khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo... tiến tới xây dựng Đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ ba, tăng cường hoạt động văn hóa, ngoại giao nhân dân để tạo sự hiểu biết lẫn nhau và gắn kết giữa nhân dân hai nước;
Thứ tư, tăng cường quan hệ hợp tác giữa địa phương với địa phương nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai bên.

“Những sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước thời gian qua như chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2018) là những sự kiện để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Hai chuyến thăm thành công tốt đẹp cùng với nhiệt huyết và quyết tâm của lãnh đạo hai nước là minh chứng sinh động cho sức sống, hiệu quả và tiềm năng hợp tác to lớn của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Hà Lan. Không chỉ tôi mà bà Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster cùng có suy nghĩ như vậy. Có lẽ chính vì cảm tình đặc biệt giữa người dân hai nước với nhau, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng và bổ sung cho nhau về điều kiện tự nhiên, văn hóa lẫn kinh tế, mà Việt Nam và Hà Lan đã đồng hành cùng với nhau trong suốt 45 năm một cách thuận lợi.”, bà Hòa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam - Hà Lan: Nhiều động lực thúc đẩy quan hệ song phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO