Việt Nam chưa bao giờ công nhận 'đường chín đoạn' mà Trung Quốc tự vẽ

Hoàng Mai 29/08/2019 07:00

Mới đây, Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) - Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn đã gửi thư ngỏ cho Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) - Giáo sư Hoàng Tiến, bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Quốc gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông.

Khu vực hoạt động của tàu Hải Dương 8 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh rõ trong thư, khu vực mà tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 đang hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Căn cứ quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý thiết lập phạm vi và chế độ pháp lý tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, Việt Nam thực thi các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

“Theo quy định của UNCLOS, quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của quốc gia ven biển. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác, khảo sát nghiên cứu đối với tài nguyên ở đó đều phải được sự chấp thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.” - Chủ tịch VISIL viết.

Thư ngỏ nhấn mạnh, hoạt động của tàu Hải Dương 8, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS và luật pháp Việt Nam liên quan đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của các tàu Trung Quốc khác nhằm cản phá hoạt động chấp pháp của các tàu cảnh sát biển Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quy định trên và tạo ra nguy cơ mất an toàn hàng hải trong khu vực này.

“Tôi sẽ không nói về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, điều đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định nhiều lần mà chỉ tập trung trao đổi dưới góc độ pháp lý quốc tế những hoạt động hiện nay của tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8. Với những quy định đầy đủ và hoàn chỉnh của UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được nhận thức chung dựa trên căn cứ khoa học và pháp lý khách quan, từ đó góp phần làm giảm căng thẳng, đóng góp vào việc phát triển hoà bình, ổn định trên Biển Đông, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hai nước, cũng như của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.” - tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn viết.

Yêu sách “đường chín đoạn” là cực kỳ phi lý

Một số chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc viện dẫn “đường chín đoạn” để ngụy biện cho các yêu sách về “các quyền lịch sử” hay “một danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” này; hay những viện dẫn mơ hồ việc Trung Quốc cũng dựa vào UNCLOS để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc là một trong các bên yêu sách chủ quyền. Từ những viện dẫn mơ hồ và ngụy biện nêu trên, Trung Quốc cho rằng khu vực biển mà tàu Hải Dương 8 và các tàu khác của Trung Quốc đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Trao đổi với Giáo sư Hoàng Tiến - Chủ tịch CSIL về những gì các chuyên gia luật Trung Quốc viện dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn khẳng định: “Điều này là hoàn toàn phi lý. Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường chín đoạn”. Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền đối với vùng biển được gán cho “đường chín đoạn” này. Cũng không thể coi vùng biển mà Hải Dương 8 đang hoạt động là vùng biển của quần đảo Trường Sa vì quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo, do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn mà UNCLOS quy định để có thể vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh toàn bộ Trường Sa và từ đó yêu sách các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo.”

Trong bức thư, Tiến sĩ Sơn cũng nhắc lại với Chủ tịch CSIL rằng, kể từ khi có phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế theo phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì những tranh luận trên đã được làm sáng tỏ. “Phán quyết khẳng định rằng: (i) không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách lịch sử đối với tài nguyên tại vùng biển bên trong “đường chín đoạn”; (ii)căn cứ vào tình trạng tự nhiên của các thực thể luôn nổi tại quần đảo Trường Sa, không thực thể nào có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; (iii)luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; (iv)các thực thể lúc chìm lúc nổi (và các thực thể ngầm) không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền” - Chủ tịch VISIL nhấn mạnh trong bức thư.

Mới đây, trang Economic Times của Ấn Độ có bài viết cho rằng việc Trung Quốc thăm dò dầu khí ở khu vực nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn huyền thoại” nhằm tạo ra tranh chấp mới tại khu vực vốn không có tranh chấp; đồng thời đây là cái cớ để “hướng sự chú ý” của dư luận quốc tế ra khỏi sự giảm tốc về kinh tế sau cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, cũng như những căng thẳng trong vấn đề Hồng Kông và Đài Loan. Còn trang Time of India cho rằng Trung Quốc với “tư tưởng cường quốc” đang coi Biển Đông như một “cái ao” của mình. Bài báo cũng chỉ ra lợi ích của Ấn Độ cũng tồn tại trên khu vực Biển Đông khi “khoảng 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam chưa bao giờ công nhận 'đường chín đoạn' mà Trung Quốc tự vẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO