Việt Nam ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ thứ 2

Đức Trân 21/10/2022 07:47

Sáng 20/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố vừa phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ hai. Đây cũng là ca mắc đậu mùa khỉ thứ hai của cả nước cho đến lúc này, ca đầu tiên được ghi nhận ngày 3/10.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam đã được xuất viện. Ảnh: BV BỆNH Nhiệt đới TPHCM.

Ca mắc đậu mùa khỉ thứ hai đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của ngành y tế. Người bệnh đã được nhân viên kiểm dịch y tế tiếp cận ngay khi vừa xuống máy bay và đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cách ly để được chẩn đoán và điều trị.

Bệnh nhân là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10. Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nồn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.

Điều đáng ghi nhận chính là người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly, chẩn đoán và điều trị.

Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay đã tiếp cận ngay người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.

Khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để cách ly, xét nghiệm và điều trị; đồng thời, thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định. HCDC đang tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Theo Sở Y tế TPHCM, nhờ có sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của người bệnh nên trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai này đã được cách ly và xử lý phòng, chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng.

Trao đổi về nguy cơ dịch bệnh lây lan tại nước ta, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời. Người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Khi thấy có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, sưng hạch, phát ban người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác.

Trước đó, ngày 3/10, ngay sau khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5470/BYT-DP đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế yêu cầu, chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương: Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí. Khi ghi nhận trường hợp bệnh: Khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng...

Đồng thời lưu ý, người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú, như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ thứ 2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO