Viết tiếp hành trình di sản cho Mo Mường

Minh Quân 11/07/2022 06:56

Theo kế hoạch, Hồ sơ di sản phi vật thể quốc gia Mo Mường trình UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ, sẽ được đệ trình vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, để di sản có từ thời “đẻ đất, đẻ nước” được vinh danh cần bổ sung rất nhiều thông tin, dữ liệu và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận từ cộng đồng.

Tái hiện nghi lễ Mo Mường. Ảnh: Quang Vinh.

Di sản “vạn năm” tuổi

Từ bao đời nay, Mo là một trong những tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, mà điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Mo Mường là sử thi phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, Mo Mường đã được giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm sưu tầm, nghiên cứu. Với sự ra đời của hàng loạt công trình nghiên cứu là minh chứng rõ ràng nhất cho những giá trị văn hóa tiêu biểu của Mo Mường. Tuy nhiên, theo thời gian, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một.

Vì thế năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, để di sản “vạn năm” tuổi này được ghi danh thì bên cạnh những tài liệu văn bản đã liệt kê, để đáp ứng cho yêu cầu về mặt nội dung của bộ Hồ sơ quốc gia, còn cần thêm rất nhiều thông tin dữ liệu về di sản Mo Mường hiện nay, những trao đổi mang tính khoa học khách quan đến từ cộng đồng nắm giữ di sản Mo Mường, từ các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng.

Theo TS Phạm Minh Hương - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học Viện Âm nhạc Việt Nam), hiện nay có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk. Đây là các tỉnh vẫn còn giữ các nghi lễ Mo trong sinh hoạt của người Mường.

Tuy nhiên, theo bà Hương, để hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, Mo Mường đang gặp phải nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn về kinh phí thì các tỉnh đứng tên trong hồ sơ đều phải có được quyết định công nhận Mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12 năm nay. Thế nhưng ngoài Hòa Bình đã có quyết định vào năm 2016 thì các tỉnh khác đang gặp nhiều khó khăn hoàn thành thủ tục để đáp ứng kịp tiến độ.

Khơi dậy tiềm lực từ địa phương

Có thể nói, mặc dù hội tụ đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng giống như nhiều loại hình di sản phi vật thể, Mo Mường vẫn đang loay hoay trên hành trình được vinh danh. Không những vậy, điều lo lắng hiện nay là tiếng Mường nói chung, Mo Mường nói riêng có nguy cơ thất truyền ở các thế hệ tiếp theo. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mường, trong đó có ngôn ngữ Mường và Mo Mường là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai không chỉ các cơ quan văn hóa, giáo dục mà của toàn xã hội. Ở đó, đòi hỏi toàn xã hội cùng chung vai gánh vác, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm để kho tàng văn hóa quý báu này được vinh danh và trường tồn cùng dân tộc.

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho di sản Mo Mường, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc bày tỏ, phải đưa ra một thời hạn nhất định cho các địa phương, nếu địa phương nào không hoàn thành đúng tiến độ thì coi như không tham gia trong hồ sơ trình UNESCO.

Nhà nghiên cứu này cũng góp ý, chúng ta phải tìm cách phục hưng Mo tang lễ, làm cho Mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Và sự thực, có giữ được Mo tang lễ, mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường. Có như vậy mới làm cho giá trị toàn vẹn của Mo Mường, trong đó có sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” sống vững chắc trong đời sống người Mường hiện đại.

“Chỉ có như vậy chúng ta mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ Hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” - ông Loan nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Thị Niềm bày tỏ, Mo Mường đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên truyền lại cho con cháu. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường là rất quan trọng, bởi nó cho ta ý thức về bản sắc và sự thân thuộc, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Hiểu biết đúng đắn về giá trị của Mo Mường được coi như hiểu biết về một nền văn hóa cổ sơ của người Mường.

Do đó, bà Niềm đề nghị, đối với các tỉnh, thành tham gia xây dựng hồ sơ cần khảo sát, kiểm kê để thống kê chính xác hoạt động thực hành Mo Mường trong đời sống nhân dân, nắm lại số nghệ nhân Mo Mường. Nghiên cứu toàn diện và khoa học về Mo Mường để từ đó có phương thức bảo tồn, phát huy một cách khoa học.

Đặc biệt, tập hợp nghệ nhân, tiến tới vận động thành lập các câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường tại các địa bàn xã, huyện. “Nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ di sản Mo Mường; Quan tâm xem xét lập hồ sơ công nhận nghệ nhân Mo Mường đạt danh hiệu Nghệ nhân ưu tú” - bà Niềm nói.

Điều lo lắng hiện nay là tiếng Mường nói chung, Mo Mường nói riêng có nguy cơ thất truyền ở các thế hệ tiếp theo. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mường, trong đó có ngôn ngữ Mường và ngôn ngữ Mo Mường là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai không chỉ các cơ quan văn hóa, giáo dục mà của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết tiếp hành trình di sản cho Mo Mường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO