'Viết tiếp' lòng tri ân với thế hệ cha anh

Minh Quân 27/07/2022 07:20

Với tấm lòng hướng về cội nguồn, “đền ơn, đáp nghĩa”, trong những ngày tháng 7 này sân khấu cả nước luôn “sáng đèn” với các chương trình nghệ thuật tri ân các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Nhà hát Kịch Việt Nam lưu diễn vở “Bão tố Trường Sơn” tại các tỉnh, thành Tây Bắc. (Ảnh: NHKVN).

Lan tỏa những thông điệp tốt đẹp

“Mở màn” cho các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện tháng 7 mang chủ đề “Đền ơn, đáp nghĩa”. Theo đó, bên cạnh các buổi biểu diễn tại Hà Nội, mới đây Nhà hát đã có chuyến lưu diễn tại các tỉnh, thành Tây Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Sơn La với vở diễn “Bão tố Trường Sơn”.

NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, chuyến lưu diễn đã để lại nhiều cảm xúc cho các nghệ sĩ, nhất là khi được giao lưu, gặp gỡ các thế hệ cha anh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và phần xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Khi công diễn tại các địa phương, vở diễn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình cũng như phản hồi tích cực từ khán giả. Tại các đêm diễn khán phòng được “phủ kín”, không còn một chỗ trống.

NSƯT Xuân Bắc cũng chia sẻ thêm, “Bão tố Trường Sơn” với dàn diễn viên tài năng đã dành tặng cho khán giả những đêm diễn khó quên. Ở đó có cả những tiếng cười ròn rã và cả những giọt nước mắt xúc động về số phận của các chiến sĩ Trường Sơn trong những ngày tháng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường. Khán giả đã được cùng khóc, cùng cười với các nhân vật trong vở kịch, thấu hiểu nỗi đau và những tâm tư sâu thẳm nhất trong lòng họ.

Một cảnh trong vở “Bão tố Trường Sơn”.

Cùng với Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã dàn dựng chương trình “Vùng trời bình yên” thể hiện tinh thần hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ Binh chủng Phòng không - Không quân nói riêng để bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, có nhiều hoạt cảnh xiếc được dàn dựng theo nội dung các bài hát đi cùng năm tháng: “Đồng đội”, “Anh phi công ơi”, “Phi đội ta xuất kích”, “Lê Anh Nuôi”, “Bầu trời tình yêu”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Vết chân tròn trên cát”…

Theo NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Liên đoàn nỗ lực thực hiện chương trình đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ để mang lại cho khán giả những màn biểu diễn xiếc vừa giàu tính nghệ thuật, vừa truyền tải giá trị lịch sử, qua đó, giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ. Hiểu được ý nghĩa của chương trình, các nghệ sĩ đều nhiệt tình, hứng khởi tham gia tập luyện, biểu diễn và không nhận thù lao. Nhiều nghệ sĩ đã đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng góp mặt.

Chương trình “Vùng trời bình yên” được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức với những tiết mục đặc sắc, ấn tượng.

Cũng nhân dịp này, các đơn vị sân khấu tại Hà Nội như Nhà kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa Rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội… cũng đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu trung tâm các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.

Ký ức đầy hào hùng của dân tộc

Có thể nói, cùng với các hoạt động tri ân đang được tổ chức rộng khắp trong cả nước, các vở diễn sân khấu được công diễn trong những ngày tháng 7 này đã trở thành những món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Nội dung các tác phẩm không chỉ thể hiện lòng biết ơn của các nghệ sĩ với thế hệ cha anh mà còn làm “sống dậy” ký ức đầy hào hùng của dân tộc.

Một tiết mục trong chương trình “Vùng trời bình yên”.

Bên cạnh đó, sân khấu Việt trong thời gian qua cũng ghi nhận sự nối tiếp “dòng chảy” tri ân với việc ra đời của hàng loạt kịch bản về đề tài Thương binh - Liệt sĩ. Mới đây, tại cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã có 91 tác phẩm của 58 tác giả trên toàn quốc gửi tác phẩm tham dự, trong đó có rất nhiều tác giả trẻ.

Tham gia cuộc thi lần này, các tác giả đã thể hiện lối viết của mình dưới nhiều góc nhìn khác nhau, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể về những tấm gương cao quý, những người đã cống hiến, để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, và khi trở về thời bình, họ tiếp tục kiên cường trên mặt trận kinh tế để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp…

NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi cho biết, hầu hết các tác giả tham gia cuộc thi đều có những tìm tòi, phát hiện mới, tạo tình huống để xây dựng nhân vật. Về nghệ thuật kịch, điều đáng mừng là 91 tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm có ý thức trong xây dựng cốt truyện, tạo tình huống và tổ chức hành động kịch phát triển một cách hợp lý giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình.

Đồng thời, cũng xuất hiện nhiều kịch bản sử dụng chất thơ để phát huy thế mạnh của sân khấu ca kịch (chèo, cải lương, cân ca) qua những làn điệu truyền thống. Đặc biệt, thành công lớn nhất của cuộc thi đó là sự quan tâm, trân trọng của các tác giả đối với các gia đình liệt sĩ và những người lính Cụ Hồ đã anh dũng hy sinh mang lại sự bình yên cho Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhân dân được hưởng nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhưng để có được ngày hội toàn thắng, dân tộc ta đã mất đi hàng triệu người con ưu tú nơi chiến trường, hàng triệu người khác mang trên mình thương tật và bao nhiêu cảnh đời ly tán, bệnh tật...

Máu xương của các chiến sĩ đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, đi vào lịch sử dân tộc, trở thành những trang sử vàng chói lọi, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau còn mãi tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Viết tiếp' lòng tri ân với thế hệ cha anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO