Vốn bất động sản đổ về tỉnh xa

Thanh Giang 18/06/2019 07:05

TP Hồ Chí Minh cạn kiệt quỹ đất sạch, thủ tục triển khai dự án lại phức tạp…thực trạng này đang đẩy vốn đầu tư bất động sản (BĐS) về tỉnh xa.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín - Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, TP khan hiếm quỹ đất nên doanh nghiệp (DN) chuyển hướng đầu tư về vùng ven. Sự chuyển hướng này giúp DN phát triển ổn định hơn, thay vì chen chân ở thành phố.

Vốn bất động sản đổ về tỉnh xa

Khách hàng tìm kiếm các dự án có khả năng sinh lời cao.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, thời gian gần đây DN BĐS chuyển về Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… xây dựng nhà ở giá rẻ vì các tỉnh trên tập trung nhiều khu công nghiệp. Điển hình, chủ đầu tư Bcons phát triển nhiều dự án nhà ở tại Bình Dương, Nam Long phát triển quỹ đất cho dự án ở Đồng Nai, Cần Thơ,…

Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, sự tăng tốc của thị trường BĐS các tỉnh giáp ranh và một vài địa phương có tính liên kết về hạ tầng giao thông là cơ hội cho các nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dịch chuyển từ TPHCM. Đồng thời, tạo điều kiện an cư cho những người trẻ, gia đình trẻ có thu nhập ổn định và nhu cầu ở thực. Không chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở tại các tỉnh lân cận TP HCM, nhiều chủ đầu tư chuyển hướng kinh doanh, lựa chọn động sản du lịch làm sản phẩm chủ đạo.

Đơn cử, Tập đoàn Novaland lên kế hoạch phát triển dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiết có diện tích gần 1.000 ha, hay NovaWorld Ho Tram có quy mô khoảng 1.000 ha. Tương tự, tập đoàn Hưng Thịnh công bố ra thị trường dự án tổ hợp căn hộ du lịch Quy Nhơn Melody. Trước đó, đơn vị này cũng đã triển khai thành công các dự án tại Đồng Nai, Vĩnh Long, Khánh Hoà.

Ông Nguyễn Xuân quang – Chủ tịch Tập đoàn Nam Long, từng bày tỏ băn khoăn với lãnh đạo TPHCM về tình trạng DN trong ngành đang tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án ngưng trệ, nguồn cung ít, giá đất lên cao, buộc các nhà đầu tư phải ra khỏi thành phố đến tỉnh xa để duy trì hoạt động. Theo đại diện một số DN, chuẩn bị triển khai một dự án thường mất 4 – 5 năm vì thủ tục quá nhiêu khê. Sự trì trệ về thủ tục làm mất cơ hội của DN, bắt buộc DN phải xoay sở sang hướng khác.

Liên quan đến việc dịch chuyển nguồn vốn đầu tư BĐS đi tỉnh xa, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho hay, nhiều dự án đang bị trì trệ. Đây là lý do chính khiến nhiều DN phải chuyển hướng đầu tư sang các địa phương khác, hoặc chuyển đến các tỉnh xa. HoREA thông tin thêm, chính vì DN thay đổi kế hoạch đầu tư về các tỉnh – thành khác nên lượng dự án tại TPHCM giảm 60% so với năm ngoái. Giao dịch trong năm 2019 trầm lắng hẳn, chủ yếu là sản phẩm của các dự án đã công bố trước đó. Theo khảo sát của Công ty Tiếp thị - Phát triển – Phân phối BĐS DKRA Việt Nam, trong quý 1/2019, chỉ có phân khúc nhà phố, biệt thự và condotel có sự tăng nhẹ cả cung và cầu so với quý 4/2018, còn lại các phân khúc gồm đất nền, căn hộ, biệt thự biển đều sụt giảm nguồn cung và lượng tiêu thụ. Đặc biệt, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong quý 1/2019, đây là mức thấp nhất các quý từ năm 2016 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vốn bất động sản đổ về tỉnh xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO