Vọng giếng

Hoàng Thu Phố 04/12/2021 17:24

Lần nào về làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), tôi cũng dừng lại ở đình Mông Phụ, đi một vòng quanh đình, dừng lại bên chiếc giếng cổ.

Người thôn Mông Phụ bảo, đó là đôi mắt của rồng. Tôi đi quanh làng Mông Phụ, ở xóm nào cũng gặp những chiếc giếng, toàn xây bằng đá ong, qua thời gian đã mòn nhẵn, dương xỉ mọc um tùm. Những chiếc giếng làng chất chứa bao câu chuyện, bao ký ức của người dân xứ này…

Giếng ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

1. Hôm rồi, bạn tôi - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vừa xót xa vừa phẫn nộ vừa như có gì đó tuyệt vọng lắm khi về làng và chứng kiến người ta bôi vẽ vào chiếc giếng được ví như mắt rồng gần đình làng Mông Phụ. Hoàng viết, trên facebook cá nhân, “tố” một đoàn làm phim hài Tết về làng Đường Lâm quay, đã “hô biến” chiếc giếng cổ thành một chiếc giếng tân kỳ đề phục vụ ý đồ làm phim. Cụ thể, họ đã tô màu, làm mới chiếc giếng cổ nổi tiếng bên đình làng Mông Phụ - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. “Giếng đình là con mắt rồng trong tâm thức của bà con, đình làng thờ thành hoàng; giờ vẽ lên đó, là không thể nào chấp nhận được về mặt tâm linh”, Hoàng viết, và tag tôi cùng một số nhà báo, nhà văn, những người tha thiết với văn hóa dân tộc vào đó, để mọi người cùng biết, cùng phản ứng cách làm thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm của ê kíp làm phim với một thành tố nằm trong làng cổ vốn đang được bảo tồn để phát triển văn hóa, du lịch.

Tất nhiên, ngay sau đó, đoàn làm phim đã phải dừng quay, và tiến hành tẩy rửa, khôi phục hiện trạng cho chiếc giếng cổ này. Nhưng với Hoàng, một nhà báo nặng lòng với di sản, một người con của làng cổ này, thì “ngay cả khi đoàn làm phim có thể xóa bỏ cái màu mè phủ lên di tích cổ đi được thì họ vẫn sai vì đã vi phạm Luật Di sản”. “Các di tích cổ chúng ta đều phải tôn trọng, kể cả có dát vàng lên giếng cũng vẫn là sai”, Hoàng nói thêm.

Chắc chắn một điều, dù có cố gắng đến đâu, việc trả lại ngay lập tức hình ảnh cũ kỹ, rêu xanh phủ màu vì năm tháng vốn quen mắt với bà con nơi đây là điều bất khả. Và cần phải thêm một thời gian nữa… Điều này cho thấy, việc ứng xử với di sản văn hóa phải hết sức thận trọng. Khi trách đoàn làm phim hài Tết, thì cũng đặt vấn đề về sự quản lý di tích, di sản văn hóa của chính quyền nơi đây. Bởi theo phản ánh của người dân làng Đường Lâm, đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” thuộc Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Thăng Long về làng Mông Phụ để quay phim và chỉ “xin phép miệng” với chủ tịch xã. Mặc dù, đây là đoàn phim đã nhiều năm quay hài Tết ở làng cổ Đường Lâm, nhưng việc chỉ “xin phép miệng” mà lơ là trong việc theo dõi, quản lý các hoạt động tại địa bàn mình quản lý là khó có thể chấp nhận. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở làng cổ này cho rằng, người dân ở đây muốn đổ một xe cát cũng gặp khó khăn. Vậy mà cả một đoàn phim đến làng cổ nhiều ngày, sửa sang tô vẽ trên giếng cổ mà chính quyền lẫn Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã “làm ngơ”, chỉ đến khi người dân phát hiện, phản ứng thì mọi việc mới dừng lại.

Giếng cổ thôn Mông Phụ bị đoàn làm phim dùng vôi ve, bút vẽ tô trát bên ngoài để tạo bối cảnh để quay phim hài. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Giếng gắn liền với làng, góp mặt với người dân từ thuở lập làng, giống như một sự đảm bảo cho cuộc sống, sự an cư lạc nghiệp của cha ông ta từ xưa. Giếng còn gắn với yếu tố phong thủy, mạch nguồn của sự hưng thịnh trong làng. Giếng làng cũng gắn bó với không gian sinh hoạt chung của cư dân nông nghiệp…

2. Câu chuyện ứng xử với giếng cổ ở làng Đường Lâm cho thấy một lỗ hổng quản lý văn hóa của chính quyền sở tại. Cũng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trước đây đã viết hàng chục bài báo quanh chuyển ứng xử với làng cổ Đường Lâm, với đủ chuyện từ xây dựng đến bảo tồn, tôn tạo. Ngay chuyện các đoàn làm phim hài cuối năm lại kéo về làng quay đủ các cảnh không mấy thuận mắt trước án gian những ngôi nhà cổ anh cũng đã lên tiếng gay gắt. Thậm chí, nhà thờ của gia đình anh cũng đã từng bị đoàn phim hài Tết sử dụng làm nơi diễn các cảnh rất phản cảm…

Điều này cho thấy, không chỉ cần phải có “bộ quy tắc” để quản lý mà bản thân chính quyền và Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm phải quản lý chặt chẽ.

Từ câu chuyện của làng Đường Lâm, nhìn lan sang các làng quê Bắc bộ, ứng xử với làng đang là câu chuyện có nhiều chuyện đáng bàn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi thiếu những quy hoạch và những thiết chế văn hóa, đã làm biến dạng nhiều ngôi làng. Hình ảnh một làng Việt với “cây đa, bến nước, sân đình” đang mất đi, được “định dạng” lại theo một chiều hướng khác.

Với những di sản như cổng làng, đình làng, giếng làng cũng vậy. Mỗi nơi lại có cách ứng xử khác nhau, và đều lộ ra những điều cần căn chỉnh. Chỉ riêng câu chuyện bảo vệ những chiếc giếng làng thôi cũng cho thấy mỗi nơi một kiểu.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Bây giờ, đi qua nhiều làng quê vẫn dễ bắt gặp lại giếng làng. Có giếng to, giếng nhỏ. Có giếng hình tròn, to như cái ao; lại có cả giếng hình vuông, hình chữ nhật. Có giếng thành cao để tránh trẻ ngã xuống, có giếng thành thấp lòng giếng bé con con. Xưa, giếng là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho làng. Mỗi năm, người dân sống quanh giếng đều chọn ngày để thau giếng, rửa giếng với những nghi lễ riêng. Nhưng nay, nguồn nước cạn kiệt hoặc ô nhiễm, ở nhiều nơi người dân giữ lại giếng vì lâu nay, trong quan niệm dân gian, giếng làng là nơi “tụ thủy tích phúc” đối với người dân. Và để giữ giếng, người dân chỗ này hàn sắt thép che miệng giếng, chỗ lấy tôn, lấy tấm gỗ đạy lại. Nhìn những chiếc giếng bị bụi phủ, dương xỉ mọc xanh rì nhiều người không khỏi chạnh lòng. Càng chạnh lòng hơn khi nhìn những chiếc giếng bị hàn kín, lắp kính để bịt kín tránh rác bẩn hoặc tai nạn… Nhưng làm cách nào để các giếng làng không chết mà trở nên sống động như nó đã từng? Đó là câu hỏi dường như không ai trả lời…

Vẫn biết nếu quá nặng lòng với những di sản của làng thì rất “khó sống”. Nhưng ứng xử làm sao cho hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân là một điều cần làm. Bởi cộng đồng dân cư trong làng sẽ có lý lẽ riêng trong việc quyết định gìn giữ hay thay đổi những “vật báu” gắn bó với làng mình. Còn đối với những làng cổ trở thành di tích quốc gia, đã được bảo tồn, đương nhiên càng phải cẩn trọng. Việc tô vẽ, sơn sửa hay làm biến dạng một hay một cụm di tích là việc làm trái luật, cần phải được xử lý nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vọng giếng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO