Vụ án Công ty CP Địa ốc Alibaba: Nhiều người may mắn được nhận lại đất

Trung Hậu - T.Lữ 30/12/2022 13:21

Ngày 30/12, TAND TP HCM tiếp tục tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), sau khi đã tuyên án đối với từng bị cáo trong vụ án trước đó.

Trong ngày tuyên án thứ hai, HĐXX đã công bố chi tiết số tiền bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ án, trong đó có 58 bị hại và người có quyền lợi liên quan được toà tuyên cho nhận lại đất.

Sở dĩ những người này được tuyên cho nhận lại đất vì tại thời điểm ký thỏa thuận hợp đồng với pháp nhân (công ty con) của Công ty Alibaba thì các thửa đất trên thực tế đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) hợp pháp, đồng thời các thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện và đã thanh toán từ 50-100%.

Đây là vụ án có số bị hại nhiều nhất (hơn 4.000 người) được dư luận đặc biệt quan tâm. (Tòa án phát trực tiếp quá trình tranh tụng tại tòa).

Cấp sơ thẩm cho rằng, trong số 58 người có quyền lợi liên quan này thì nếu trường hợp nào chưa thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng thì phải thanh toán phần còn lại của hợp đồng nhưng thực hiện thanh toán vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau khi thi hành án xong, Cơ quan thi hành án có nghĩa vụ và trách nhiệm giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất.

Đối với các trường hợp đã hoàn tất thanh toán đủ 100% theo thỏa thuận hợp đồng hai bên, HĐXX căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 133 Bộ luật Dân sự (năm 2015) chấp thuận công nhận thỏa thuận chuyển nhượng nói trên là hợp pháp và tuyên trả lại đất cho những người có quyền lợi liên quan.

HĐXX sơ thẩm nhận định, đối với đa phần các yêu cầu của bị hại khi xem xét hợp đồng thỏa thuận đều có điều khoản giữa họ với Công ty Alibaba là "đối tượng chuyển nhượng là đất thổ cư 100%". Dù vậy, kết quả xác minh các dự án hầu hết do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty Alibaba) chỉ đạo tự "vẽ" dự án khu dân cư và loại đất đều là đất nông nghiệp, chưa được cơ quan thẩm quyền cho chuyển đổi, cũng không có trong danh mục quy hoạch đất ở của các địa phương.

Do đó, việc nhóm bị hại yêu cầu tiếp tục thực hiện thỏa thuận với Công ty Alibaba đối với dự án không còn tồn tại trên thực tế là không thể thực hiện, cũng không có căn cứ pháp luật. Do đó, HĐXX tuyên không chấp nhận các yêu cầu này.

Đại diện bị hại trong vụ án tại công ty Alibaba tham gia quá trình xét hỏi tại tòa (Ảnh: Trung Hậu).

Trong nhóm nhóm 39 bị hại đề nghị tiếp tục thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án, tuy nhiên những người này đã nộp tiền, HĐXX xác định thiệt hại của các bị hại này là có trên thực tế và tuyên buộc các bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà các bị hại này đã nộp cho Công ty Alibaba.

Vào ngày tuyên án hôm qua (29/12), bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai cũng đã phải chịu hai mức án cao nhất của vụ án, lần lượt là án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và án 30 năm tù về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Ngoài ra, HĐXX xét xử sơ thẩm cũng đã đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục tạm giữ đối với 455 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiếp tục kê biên 698 thửa đất để đảm bảo cho quá trình thi hành án. Song song đó, HĐXX tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm phải liên đới bồi thường số tiền hơn 2.400 tỷ đồng cho gần 4.550 bị hại trong vụ án này.

Tại tòa, HĐXX phán quyết cho những bị hại và người liên quan nếu chưa được xem xét trong bản án này; một số bị cáo nhận mình cũng là bị hại của Công ty Alibaba nhưng chưa cung cấp được các chứng từ, HĐXX sẽ tách hồ sơ để những người này có thể khởi kiện bằng các vụ án dân sự khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án Công ty CP Địa ốc Alibaba: Nhiều người may mắn được nhận lại đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO