Xét xử 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng: Phan Văn Anh Vũ đòi tài sản bị kê biên

Tinh Anh 04/01/2020 21:55

Ngày 4/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến), Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn. Khi bị xét hỏi, Phan Văn Anh Vũ yêu cầu HĐXX trả lại những tài sản mà bị cáo đã bị CQĐT thu giữ trong quá trình điều tra, gồm: Đồng hồ Rolex, điện thoại, máy tính... đồng thời đề nghị không gọi bị cáo là Vũ “nhôm”.

Không có tội?

Liên quan đến nội dung Viện KSND Tối cao cáo buộc Phan Văn Anh Vũ lợi dụng các mối quan hệ với lãnh đạo để thâu tóm nhà, đất công trục lợi, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng của Nhà nước, bị cáo Vũ khẳng định không hề quen biết bí thư hay chủ tịch của TP Đà Nẵng. “Bị cáo không có quan hệ gì với bí thư, chủ tịch của thành phố. Còn tên tuổi các vị lãnh đạo thì bị cáo không thể không biết vì là người kinh doanh bất động sản trên địa bàn”, bị cáo Vũ nói.

Từ việc khẳng định không có quan hệ với lãnh đạo TP Đà Nẵng qua các thời kỳ, Phan Văn Anh Vũ muốn hướng HĐXX tới việc bị cáo không hề cấu kết với các cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cùng lãnh đạo các sở, ngành để trục lợi. Từ lý giải trên, Phan Văn Anh Vũ cho rằng, cơ quan công tố quy kết cho bị cáo phạm tội là không đúng. Phan Văn Anh Vũ còn cho rằng lẽ ra bản thân phải là đối tượng được bảo vệ bởi bị cáo chỉ là người mua, lỗi hay sai phạm phải là ở người bán.

Trước lời khai của bị cáo Vũ, HĐXX hỏi: Nếu bị cáo không làm thì những lãnh đạo Đà Nẵng có vi phạm không? “Nhà nước có chủ trương bán, tôi thấy hợp lý thì mua. Còn ai bán sai thì người đó chịu. Nếu bị tuyên có tội, tôi sẽ khởi kiện các công ty đã bán nhà, đất khiến tôi bị rơi vào vòng lao lý...” – Phan Văn Anh Vũ nói.

Vẫn trong mạch “hùng biện” để bảo vệ bản thân trước các cáo buộc của cơ quan công tố, Phan Văn Anh Vũ tỏ ra uất ức: Bị cáo đọc cáo trạng cảm thấy bức xúc vì bản thân giống như tội đồ, là “trung tâm” trong cáo trạng. “Mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo. Bị cáo chỉ là người đi mua chứ làm gì nên tội. Anh bán phải chịu trách nhiệm về tài sản của anh” –Phan Văn Anh Vũ thao thao bất tuyệt.

Không gọi là Vũ “nhôm”

Sáng cùng ngày, trước khi bị thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ đã gửi HĐXX một bản kiến nghị gồm 4 điểm: Yêu cầu xem xét và trả lại tài sản bị thu giữ, gồm 29.000 đô la Singapore, 3 điện thoại, máy tính xách tay; không đồng ý với cáo trạng; việc Viện KSND Tối cao kê biên, tịch thu 10 tài sản là không đúng vì quyết định kê biên không có số công văn; đề nghị không gọi bị cáo là Vũ “nhôm”, bởi tên cha mẹ đặt cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ.

Liên quan đến một trong 4 nội dung Phan Văn Anh Vũ kiến nghị là tên gọi Vũ “nhôm”, HĐXX đề nghị các cơ quan truyền thông khi đưa tin tôn trọng quyền cá nhân của bị cáo Vũ, không gọi bị cáo Vũ là Vũ “nhôm”. Về nội dung Phan Văn Anh Vũ khai trong quá trình điều tra, bị cáo bị CQĐT thu giữ nhiều tài sản nhưng không đưa những tài sản, chứng cứ này vào cáo trạng, HĐXX nói sẽ ghi nhận kiến nghị của bị cáo Vũ.

Sai sót mang tính sáng tạo?

Chiều cùng ngày, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục thẩm vấn cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, bị cáo này khai: Trong quá trình triển khai thực hiện một số dự án bán nhà, đất công sản, bị cáo không phải là người quyết định (lúc đó bị cáo Chiến đang là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), thẩm quyền là của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Cũng theo lời khai của bị cáo Văn Hữu Chiến, có tới hai cơ quan tham mưu rà soát rồi mới trình cho bị cáo ký. Thời điểm đó, cả TP Đà Nẵng như một đại công trường, không thể kiểm tra từng nhà, từng dự án được. Công tố viên tiếp tục xoáy: Theo quy định của Luật Đất đai, bảng giá đất của các tỉnh, thành phố hàng năm phải sát với giá thị trường. Dự án 29 ha tại thời điểm đó có giá trị hơn 4.788 tỷ đồng, tại sao bị cáo không áp giá đó để rồi ngân sách Đà Nẵng chỉ thu được 87 tỷ đồng? Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng lý nhí: Tại các cơ quan tham mưu trình giá đó.

Tại tòa, giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng khẳng định: Các quyết định do cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh ký là trái với Nghị định 61/CP. Việc giảm giá sử dụng đất chỉ được áp dụng theo Nghị định 38/CP năm 2000, song đến tháng 10/2004 nghị định này đã hết hiệu lực thi hành. Giám định viên cũng chỉ ra các điều kiện để được bán chỉ định, nếu bán chỉ định mà không đáp ứng đủ các điều kiện là trái quy định. Trả lời thẩm vấn, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh khai: Khi thanh tra Chính phủ vào thanh tra cũng đặt vấn đề giảm giá 10% này là vi phạm, nhưng UBND TP Đà Nẵng cũng đã có giải trình. Sau đó, Bộ Chính trị thành lập đoàn kiểm tra để xem xét cho khách quan. “Ủy ban Kiểm tra Trung ương có báo cáo, trong đó phân tích là có sai sót, nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả. Thực tế UBND TP Đà Nẵng giảm giá 10% ở đây mục đích là để thu tiền sử dụng đất, kích thích các đơn vị nộp tiền luôn...” – cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh biện giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng: Phan Văn Anh Vũ đòi tài sản bị kê biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO