Vụ ‘Bán khống’ giấy nghỉ việc ở Đồng Nai: Không dung túng, bao che hoạt động phi pháp

Mạnh Thìn 28/06/2022 10:37

Vụ việc “Bán khống” hàng ngàn giấy nghỉ việc qua đó thu lợi tiền tỉ tại phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm (xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi về khâu quản lý, giám sát của cơ quan chức năng có đang bị buông lỏng? Và liệu còn bao nhiêu nơi đang “bán khống” giấy nghỉ việc hàng ngày?

Sau khi sai phạm ở phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm làm giả chữ ký bác sĩ, "bán khống" hàng ngàn giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) bị phát hiện. Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã có những chia sẻ xoay quay vụ việc trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Dương Hồng Danh khẳng định, toàn bộ hồ sơ liên quan vụ phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm làm giả chữ ký bác sĩ, "bán khống" hàng ngàn giấy nghỉ việc hưởng BHXH đã chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục mở rộng điều tra xử lý. “Vụ việc này là không thể chấp nhận được. Sau khi phát hiện sự việc, Sở đã thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở này”, ông Danh nói.

Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai làm việc với đại diện phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm. (Ảnh: CTV).

Do vụ việc đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nên không thể xử phạt hành chính mà chỉ rút giấy phép hoạt động. Nếu trong vòng 12 tháng, cơ quan điều tra xác định không có yếu tố để xử lý hình sự và chuyển hồ sơ ngược lại thì thanh tra Sở Y tế Đồng Nai mới xử phạt hành chính phòng khám này.

Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, đơn vị đang có kế hoạch để thanh kiểm tra toàn bộ hoạt động của các phòng khám trên địa bàn. Trước đó, Thanh tra Sở cũng đã kiểm tra nhiều phòng khám, qua kiểm tra chưa phát hiện các vụ việc tương tự như phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm. Tuy nhiên, một số phòng khám khi kiểm tra thì vẫn phát hiện hoạt động có sai, có đúng. “Quan điểm của Sở là sai tới đâu xử lý tới đó. Không dung túng, bao che cho các hoạt động phi pháp như bán khống giấy nghỉ việc để hưởng BHXH”.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, qua rà soát, từ tháng 7/2021-4/2022, phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm đã cung cấp cho đơn vị này tổng cộng hơn 40.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng chế độ BHXH. Trên cơ sở này, BHXH đã giải quyết cho hơn 28.000 giấy nghỉ việc với tổng số tiền khoảng gần 12,5 tỷ đồng.

BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, việc thẩm định giấy nghỉ việc nào hợp lệ, giấy nào khống cần phải chờ kết luận điều tra, rồi mới thu hồi lại tiền đã chi trả được.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai, hiện có những giấy nghỉ bệnh hưởng đến 75% lương đóng bảo hiểm xã hội, chính vì vậy, thời gian qua “nạn” mua bán giấy nghỉ bệnh để hưởng lợi BHXH diễn ra rất nhiều, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Đồng Nai là tỉnh có số lượng công nhân lớn. Việc mua bán giấy nghỉ bệnh diễn ra nhiều ở lực lượng này.

Đặc biệt từ sau khi giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua, lượng giấy nghỉ bệnh hưởng chế độ BHXH tăng với số lượng chóng mặt. Việc “mua bán” giấy nghỉ bệnh diễn ra như cơm bữa. Đặc biệt, có những công nhân làm việc ở tỉnh này đi qua phòng khám ở tỉnh khác để tìm cách có giấy nghỉ bệnh khống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối năm 2021, BHXH tỉnh Đồng Nai đã nhận được công văn phối hợp của BHXH Bình Dương đề nghị thu hồi số tiền hưởng chế độ BHXH sai quy định của người lao động do sử dụng giấy nghỉ bệnh cấp khống cho 54 công nhân. Số công nhân nói trên làm việc ở Đồng Nai nhưng sử dụng giấy nghỉ bệnh do Công ty cổ phần bệnh viện đa khoa Hồng Phúc Sài Gòn có địa chỉ tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp khống để hưởng số tiền gần 32 triệu đồng. Sau khi phát hiện, BHXH tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra, thực hiện thu hồi số tiền đã chi trả.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định, người lao động tìm cách hợp thức hóa giấy nghỉ bệnh ở các phòng khám dưới hình thức làm giả chữ ký của bác sĩ, của đơn vị khám chữa bệnh để có giấy khống nghỉ bệnh là trái pháp luật. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới quỹ BHXH mà sẽ còn nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp và xã hội, về hình ảnh của tỉnh trong kêu gọi đầu tư. Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm minh vụ việc liên quan đến phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về việc người lao động của một số công ty trên địa bàn được một cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH chưa phù hợp nhằm hợp thức hóa ngày nghỉ. Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 21/4, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện Phòng khám lưu nhiều giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ghi tên nhiều bác sĩ nhưng chưa ký tên. Qua làm việc trực tiếp với các bác sĩ của phòng khám, các bác sĩ xác nhận không có mặt tại phòng khám, không ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trung bình mỗi ngày phòng khám cấp từ 100-200 giấy nghỉ việc hưởng BHXH gồm bệnh nhân đến khám trực tiếp và khám online (từ 5-10 người). Trong thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, việc khám cấp giấy hoàn toàn qua online, sau đó người nhà đến lấy giấy nghỉ việc hưởng BHXH.

Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu phòng khám ngừng hoạt động từ ngày 4/5. Sau đó 2 tuần, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã thu hồi giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám này. Theo cơ quan chức năng, hoạt động này của phòng khám có dấu hiệu làm giả, bán giấy nghỉ việc hưởng BHXH, lừa dối cơ quan BHXH và gây thiệt hại cho quỹ BHXH. Do đó, Sở Y tế đã quyết định chuyển hồ sơ về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu làm giả, bán giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của phòng khám này sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để giải quyết theo quy định pháp luật.

'Bệnh nhân đến khám đông nên để nhân viên nhái chữ ký bác sĩ!'

Liên quan đến vụ việc, Giám đốc phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm Hồ Hoàng Phúc cho biết: “Theo quy định, mỗi bác sĩ chỉ được ký 65 chữ ký/ngày. Tuy nhiên do không có nhiều bác sĩ, trong khi bệnh nhân đến khám lại đông nên phòng khám để nhân viên nhái chữ ký bác sĩ”. Phân trần về vụ việc, vị giám đốc phòng khám cho hay “khi bệnh nhân vào khám để lấy giấy nghỉ việc, họ không lấy thuốc nên phòng khám phải lấy tiền công khám bệnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ ‘Bán khống’ giấy nghỉ việc ở Đồng Nai: Không dung túng, bao che hoạt động phi pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO