Vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hoàng Chiến 04/01/2023 14:17

Vụ việc bé trai lọt xuống trụ bê tông sâu 35m tại Đồng Tháp thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Nhà thầu là chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp

Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, đây là công trình thi công xây cầu đã hoàn thành việc đóng các cọc bê tông xuống đất. Vài ngày trước, đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất, chưa che chắn, đậy kín những trụ đã cắm xuống, mà mới chỉ kịp dùng dây rào chắn sơ sài dẫn đến một vụ việc đáng tiếc xảy ra là 1 bé trai 10 tuổi đã sẩy chân ngã xuống.

Thông tin công bố cho hay, khu vực xảy ra tai nạn thuộc dự án cầu Kênh Rọc Sen thuộc Gói thầu số 14 dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL.30 - ĐT.845 do sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Dự án này Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp được giao nhiệm vụ quản lý.

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM – Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T, Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra lần cuối trước khi nhổ cọc bê tông khỏi hố, sáng 4/1. Ảnh: Thuý An. Nguồn: Vnexpress.

9h ngày 4/1, sau hơn bốn ngày đào bới, khoan và làm mềm đất, cọc bê tông dài 35 m cứu bé trai 10 tuổi mắc kẹt bắt đầu được cứu hộ kéo lên. Ngoài việc theo dõi quá trình cứu bé trai mắc kẹt thì câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự cố đáng tiếc này?

Trả lời PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống Luật sư X) cho biết, trong sự việc này, việc để một em bé đi vào khu vực công trường đang xây dựng rồi dẫn đến tai nạn tại công trường đang thi công có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, ban quản lý dự án và bộ phận giám sát thi công.

“Trong đó nhà thầu là chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc mà mình thực hiện trước pháp luật, trước chủ đầu tư”, Luật sư khẳng định.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật xây dựng năm 2014 thì một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng là “Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản…”.

Luật sư Lê Hoàng Phúc An.

Căn cứ theo Điều 115 Luật xây dựng 2014: “Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng”.

Nhà thầu thi công là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng trên công trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn cụ thể khi làm việc. Còn về phía nhà đầu tư phải có trách nhiệm quản lý an toàn - tổ chức kiểm tra, giám sát các công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng trên công trường. Vì vậy, chủ thể có trách nhiệm thi công, quản lý công trường có thể phải gánh chịu những trách nhiệm về hậu quả đã gây ra.

Mức phạt ra sao?

Trong trường hợp cơ quan chức năng cứu được bé trai, bé trai may mắn sống sót nhưng nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của bé trai từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng căn cứ theo điểm b, khoản 1, Điều 360, BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Lúc này, khung hình phạt sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Còn nếu trong trường hợp hậu quả đáng tiếc nhất xảy ra là nạn nhân không qua khỏi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 129 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực làm việc. Ảnh: Dân Trí.

“Trong vụ việc này lỗi vô ý là vô ý do cẩu thả, tức là đơn vị thi công xong nhưng cho rằng đường kính của ống bê tông là 25 cm nên nghĩ rằng không ai có thể lọt qua đó được do đó chỉ rào chắn sơ bộ. Nhưng pháp luật buộc bên thi công xây dựng phải thấy trước được hậu quả của việc không che chắn cẩn thận hoàn toàn có những trường hợp có những đứa trẻ thấp bé, nhẹ cân có thể rơi xuống đó. Nếu hậu quả chết người xảy ra thì khung hình phạt lúc này sẽ là phạt tù từ 1-5 năm”, Luật sư An phân tích.

Ngoài ra còn phải bồi thường về mặt dân sự cho gia đình của người bị hại. Theo đó, khi các chủ thể có trách nhiệm đảm bảo an toàn xây dựng có lỗi, vi phạm trong việc bảo đảm các biện pháp an toàn trong công trình xây dựng dẫn đến việc bé trai bị ngã xuống cột trụ bê tông 35m thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn trong xây dựng. Căn cứ theo điểm a và điểm c, Điều 590, BLDS năm 2015 thì các bên liên quan phải bồi thường các chi phí sau đây:

Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thứ hai, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; và các thiệt hại khác mà pháp luật quy định”, Luật sư cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO