Vụ cầu tiền tỷ đang xây đã nứt toác: Sai phạm nghiêm trọng, kiểm điểm ‘nhẹ hều’

Đức Sơn 05/07/2021 09:30

Liên quan đến vụ việc công trình cầu tiền tỷ thuộc Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) đang thi công đã nứt toác, phải đập đi làm lại gây lãng phí lớn (Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh ngày 03/05/2021), các tập thể, cá nhân liên quan ở Lạng Sơn vừa tiến hành kiểm điểm, nhưng tất cả chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Cầu tiền tỷ trong Khu công nghiệp Đồng Bành (Lạng Sơn) đang thi công thì mố và trụ cầu nứt toác.

Sau khi xảy ra sự việc dự án cầu tiền tỷ thuộc Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành đang thi công đã nứt toác, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã nhận xét: Tuy đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu tham gia các gói thầu thuộc Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1) tại Văn bản số 49/UBND-KTN ngày 21/01/2015, nhưng Sở KHĐT chưa báo cáo đầy đủ, chưa làm hết trách nhiệm tham mưu trong việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn, các lãnh đạo Sở KHĐT có trách nhiệm liên quan đến quá trình tham mưu ban hành Báo cáo số 66/BC-SKHĐT ngày 06/02/2015 trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ định thầu không đảm bảo quy định gồm 2 cá nhân là ông Nguyễn La Thông, nguyên Giám đốc Sở KHĐT đã nghỉ hưu và ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, nguyên Phó Giám đốc Sở KHĐT.

Trong đó, ông Nguyễn La Thông với vai trò là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ông Lê Văn Thắng với vai trò là Phó Giám đốc Sở phụ trách phòng Công thương, phòng chuyên môn chịu trách nhiệm trong việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành không đảm bảo theo quy định.

Đối với sở Giao thông Vận tải, với vai trò là Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực liên quan, ông Lăng Văn Thạu (nguyên Phó Giám đốc Sở - đã nghỉ hưu) chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, Sở Giao thông vận tải đề xuất hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đối với 6 người trong Tổ thẩm định có trách nhiệm liên quan (gồm Trịnh Tuấn Đông, Vi Anh Tuấn, Trần Tiến Nguyên, Lương Xuân Trường, Nguyễn Đình Trung, Lý Ngọc Dung), việc để xảy ra sự cố nêu trên cũng có một phần trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế.

“Nguyên nhân là năng lực chuyên môn cá nhân thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế còn hạn chế, có phần chủ quan và thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định các công trình cầu, có kết cấu và điều kiện địa chất phức tạp. Bản thân mỗi cá nhân cũng đã nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trước Giám đốc Sở”, Sở Nội vụ Lạng Sơn nhận định.

Riêng ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông với vai trò là Tổ trưởng tổ thẩm định đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm xảy ra tại thời điểm năm 2015, do vậy đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách theo quy định.

Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết, Ban quản lý đã báo cáo bổ sung về trách nhiệm của ông Trần Thành Đức, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đã nghỉ hưu).

Theo đó, ông Trần Thành Đức có một phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành Tổ tư vấn giám sát, đã chủ quan, sơ suất khi chưa quan tâm một cách đầy đủ, sâu sắc đến hoạt động nghiệp vụ của Tổ tư vấn giám sát, do đó đã không phát hiện những hạn chế, thiếu sót của Tổ tư vấn giám sát.

Ông Đức cũng không phát hiện thiết kế công trình đã được duyệt không phù hợp để đề xuất, kiến nghị với chủ đầu tư biện pháp xử lý, sẽ không dẫn đến hậu quả là xảy ra sự cố làm rạn nứt mố, trụ cầu Đồng Bành một cách đáng tiếc.

Về mức độ vi phạm, ông Trần Thành Đức, với vai trò là lãnh đạo Ban phụ trách lĩnh vực, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm, Tập thể lãnh đạo Ban Quản lý dự án đề xuất hình thức đối với ông Trần Thành Đức là rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị và căn cứ vào hành vi, mức độ sai phạm, khắc phục sai phạm, Sở Nội vụ Lạng Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét, đồng ý hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các ông: Nguyễn La Thông, Lê Văn Thắng, Trần Thành Đức, Lăng Văn Thạu và 6/7 thành viên trong tổ thẩm định với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Sự việc cây cầu tiền tỷ đang thi công đã nứt toác, buộc phải đập đi xây lại, gây lãng phí là sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan chỉ nhận trách nhiệm là kiểm điểm rút kinh nghiệm như vậy liệu có quá nhẹ, có tương xứng với hành vi sai phạm gây ra…?

Hơn nữa, trách nhiệm của Chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến đâu cũng chưa thấy ai nhắc đến…?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ cầu tiền tỷ đang xây đã nứt toác: Sai phạm nghiêm trọng, kiểm điểm ‘nhẹ hều’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO