Vu Lan trực tuyến, vẫn trọn vẹn đạo hiếu

Hoàng Minh 23/08/2020 08:47

Tháng Vu Lan báo hiếu năm nay sẽ được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo bà con Phật tử thành kính cốt ở cái tâm. Đây là thời gian sống chậm lại, dành những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất, thanh tịnh nhất để tưởng nhớ và cầu nguyện.

Đại đức Thích Khai Từ, Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh, đại diện chùa Yên Tử cho biết, thực hiện chỉ đạo theo công văn của Trung ương GHPGVN, các chùa trong hệ thống Khu Danh thắng Yên Tử tổ chức Đại lễ Vu Lan bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 2/7 âm lịch đến ngày 15/7 âm lịch Canh Tý, nhà chùa sẽ thường nhật tổ chức các khoá lễ online để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước.

Nhà chùa khuyến cáo Phật tử không nên đến chùa, chỉ đăng ký qua fanpage chùa Yên Tử để được cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ nhân mùa Vu Lan. Nhà chùa sẽ có buổi lễ trang nghiêm, thành kính vào lúc 9h sáng ngày 1/9 Dương lịch (nhằm ngày 14/7 năm Canh Tý) được truyền trực tuyến trên trang Facebook.com/chuayentuquangninh.

Không chỉ tại Quảng Ninh, ngay từ những ngày đầu tháng Bảy Âm lịch, tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), nhà chùa cũng đã có những khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 cho các Phật tử. Nhà chùa đã trang bị nước rửa tay, xịt khuẩn, nhắc nhở bà con giãn cách khi hành lễ.

“Chúng tôi phối hợp với chính quyền bảo đảm an toàn cho người dân đi lễ. Nhà chùa ra Thông bạch, khuyến cáo bà con không nên đến chùa để giữ gìn sức khoẻ trong mùa dịch Covid-19. Với tinh thần từ bi của nhà Phật, các sư hàng ngày thực hiện nghi lễ tụng kinh Lương Hoàng sám; kinh Thuỷ Sám; Mục Liên Sám cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho hương linh các anh hùng liệt sỹ, chư Tổ, thập loại chúng sinh. Đặc biệt, vào 20h, ngày 1/9 nhằm ngày 14/7 âm lịch Canh Tý, nhà chùa sẽ thực hiện khoá lễ Vu Lan bằng hình thức trực tuyến trên trang FB của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội", Đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh cho biết.

Tại Hà Nội, nhiều điểm chùa cũng thực hiện lễ Vu Lan trực tuyến như: Chùa Bằng, chùa Hoà Phúc, chùa Tân Hải…

Đại đức Thích Khai Từ, Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh.
Theo Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành kính cốt ở cái tâm. Phật tại tâm. Không phải chúng ta sắm sửa lễ nghi thật to, thật nhiều bằng đồ không thật như vàng mã, tưởng nhớ tri ân với cửu huyền thất tổ chính là lòng thành kính. Tưởng nhớ tổ tiên vốn là việc thường trực nhưng tháng 7 là thời gian sống chậm lại, dành những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất, thanh tịnh nhất để tưởng nhớ và cầu nguyện.
Vu Lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy dành tình cảm yêu thương chăm sóc, bởi sau này có muốn cũng không được. Ai mà cha mẹ quá vãng chúng ta dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên. Vì thế dù có ở đâu ta cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành. Không cần lo lắng trực tuyến bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu, điều quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không.
Hơn nữa, Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Giáo hội cũng vậy và đang đi theo lộ trình đó. Xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai.
“Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức lễ vu lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến, từ ba điểm cầu tại chùa Bái Đính, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Khán giả khắp các vùng miền, kể cả Việt kiều có thể dõi theo nghi lễ. Chúng ta sẽ có mùa Vu Lan trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch. Rút kinh nghiệm từ Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan trực tuyến tin rằng sẽ có hiệu quả hơn, đến với đông đảo bà con Phật tử và nhân dân hơn nữa” , Thượng toạ Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Chia sẻ về một số tình trạng còn tồn tại trong xã hội hiện nay như cúng lễ rinh rang, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ còn sống một cách vô đạo đức, có tình trạng hắt hủi cha mẹ, ông bà, thậm chí giết cả cha mẹ…Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho rằng, đây là sự suy đồi đạo đức không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. Trong kinh Phật dạy: “dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”.
Thực hiện đúng tinh thần báo ân - báo hiếu đó là: làm người phải thực hiện 4 ơn nặng (tứ trọng ân) như lời Phật dạy. Đối với cha mẹ, ông bà còn sống con cháu phải sống hiếu thảo, chăm nom về vật chất, tinh thần, tình cảm, an ủi, động viên bố mẹ cả 365 ngày trong năm chứ không phải chỉ ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo các cơ sở tự viện và Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ Vu lan Báo hiếu gọn nhẹ, tiết kiệm và trang nghiêm. Tùy tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, giáo hóa cho nhân dân, tín đồ hiểu đúng ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu, hạn chế tụ tập đông người, tăng cường các khóa lễ, các buổi thuyết giảng ý nghĩa lễ Vu Lan trực tuyến và có nhiều hoạt động thiết thực như: Tặng quà cho người nghèo, ủng hộ các bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19….”, Thượng toạ Thích Đạo Hiển nói.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vu Lan trực tuyến, vẫn trọn vẹn đạo hiếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO