Vụ ngộ độc chè ở An Giang: Người phát chè có thể bị xử lý hình sự

Hoàng Chiến 09/02/2023 14:27

Theo Luật sư, vụ việc ngộ độc chè xảy ra ở An Giang có thể nhận thấy là một vụ việc rất nghiêm trọng khi có một người tử vong và rất nhiều người bị ngộ độc. Trong trường hợp này, người phát chè miễn phí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã đưa tin, liên tiếp từ tối ngày 4/2 và ngày 5/2/2023, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tiếp nhận tổng cộng 38 ca cùng triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy. Khai thác bệnh nhân, ghi nhận đều do ăn chè đậu trắng.

Theo đó, quá trình xác minh của cơ quan chức năng xác định, chè đậu trắng do bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (44 tuổi, địa chỉ Ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) nấu và cấp phát miễn phí nhân dịp Rằm tháng Giêng (4/2/2023).

Một bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm tại An Giang. Ảnh: Hữu Tri.

Bà Tuyết cho hay, bà đã mua 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg dừa nạo sẵn, 24 kg đường cát. Sau khi nấu xong đã phát miễn phí cho người dân ở gần nhà và người đi đường.

Thông tin mới nhất từ Sở Y tế tỉnh An Giang xác nhận, đã có 1 trường hợp trong số 88 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn chè miễn phí ở Chợ Mới đã tử vong và có 26/38 người nhập viện, đã xuất viện an toàn.

Trả lời Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Bởi vậy nếu xác định được nguyên nhân tử vong, nguyên nhân ngộ độc thì sẽ xác định được người đã có lỗi để sự việc xảy ra, người có lỗi này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối.

Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng sẽ cần điều tra, làm rõ nguồn gốc độc tố đến từ nơi cung cấp nguyên liệu cho người phát chè hay trong quá trình chế biến. Nếu xác định có độc tố trong nguyên liệu và đó là nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc, thì đơn vị cung cấp nguyên liệu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sai phạm của mình.

“Trường hợp quá trình chế biến chè là nguyên nhân gây ra ngộ độc, cũng cần xem xét, điều tra trong quá trình chế biến người phát chè miễn phí có tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm không, có hiểu biết về mức độ nguy hiểm khi kết hợp các nguyên liệu với nhau không hay chỉ làm theo thói quen và không biết về những vấn đề này”, Luật sư cho biết thêm.

Trường hợp xác định được nguyên nhân là do lỗi của người phát chè và họ biết nhưng vẫn cố tình thực hiện, đây là hành vi có dấu hiệu của Tội Giết người theo Điều 123 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt trong trường hợp này có thể lên đến 15 tù. Nếu vô ý, họ vẫn có thể bị xử lý về Tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ Luật hình sự và hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Ngoài bị xử lý hình sự, người phát chè miễn phí còn phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho những cá nhân bị thiệt hại trong vụ việc. Việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ ngộ độc chè ở An Giang: Người phát chè có thể bị xử lý hình sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO