Vụ nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái kêu oan: Cần xem xét thấu đáo!

Nhóm PVĐT 03/04/2023 18:32

Sau khi Viện KSND tỉnh Yên Bái ban hành cáo trạng vụ án Lăng Đức Hân (vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ trái phép xảy ra tại Yên Bái cuối năm 2020), ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái đã làm đơn khiếu nại, yêu cầu làm rõ các cáo buộc có thể dẫn đến mình bị oan sai.

Cáo trạng không nêu rõ căn cứ cột tội

Như tin đã đưa, ông Đinh Tiến Hùng viết đơn khiếu nại cả 3 bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Yên Bái vì những quy kết chưa đầy đủ căn cứ, và nhiều tờ báo cũng đã phản ánh về vấn đề này, nhưng ông chưa nhận được phản hồi.

Ngày 13/2/2023, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái đã ký ban hành cáo trạng, cáo buộc ông Đinh Tiến Hùng vi phạm khoản 2, điều 227 Bộ luật Hình sự, và ông Đinh Tiến Hùng tiếp tục kêu oan.

Theo Luật sư Đỗ Như Thành phân tích và nhận định, các căn cứ buộc tội ông Đinh Tiến Hùng là trừu tượng. Các bản kết luận điều tra khi thì cho rằng, Đinh Tiến Hùng là "người cầm đầu", khi là "người tổ chức", lúc thì là "người có liên quan", còn bản cáo trạng lại cho rằng Đinh Tiến Hùng là "người khởi xướng". Những văn bản tố tụng này có nhiều chi tiết mâu thuẫn và đặc biệt là không có những chứng cứ vật chất khách quan, không đảm bảo điều kiện cần và đủ để cột tội ông Đinh Tiến Hùng, có nguy cơ rất lớn gây oan sai.

Theo ông Đinh Tiến Hùng, có chi tiết quan trọng mà cơ quan tố tụng chưa xem xét để đối chiếu lời khai của các bị can rất mâu thuẫn là:

“Tôi đi lo cơ chế, lo quan hệ”, vậy lúc đó tôi mới chỉ là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn; trong khi đó các thủ tục tại tỉnh đã hoàn thiện và trong thời gian chờ đợi Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép. Vì vậy, bảo tôi lo cơ chế, quan hệ là vô lý và cơ quan điều tra đã không xác minh làm rõ chi tiết này. Ngược lại, xem đây là chứng cứ trực tiếp, quan trọng nhất để buộc tội. Cáo trạng cũng không nêu rõ, nếu tôi đã lo cơ chế quan hệ là lo với ai? Tác động, gặp gỡ như thế nào? Kết quả ra sao? Quá trình lo cơ chế quan hệ như thế nào? Phải chi bao tiền? Vì sao tôi được chia 1/3 lợi nhuận?"

Luật sư Đỗ Như Thành và Luật sư Trần Đình Triển đồng nhận định: Vụ án có nhiều dấu hiệu bị hình sự hóa. Theo đó, vụ án bắt nguồn từ việc hoạt động làm đường của Công ty Tuyên Huy lên mỏ chì - kẽm Núi Ngàng. Công ty Tuyên Huy được cấp phép “khai thác tận thu khoáng sản tại mỏ chì – kẽm Núi Ngàng thuộc xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình từ năm 2003”. Tháng 10/2009, khi hết hạn, Tuyên Huy đã được gia hạn khai thác cho đến năm 2018. Năm 2018, khi hết hạn Tuyên Huy lại lần thứ ba được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận tiếp tục khai thác mỏ chì – kẽm Núi Ngàng. Tuy nhiên, thủ tục còn phải chờ Bộ Tài Nguyên – Môi Trường cấp phép. Trong thời gian đó, UBND huyện Yên Bình đã chấp thuận cho Tuyên Huy được đầu tư “sửa chữa, nâng cấp đường vào mỏ Núi Ngàng” (để khi có phép khai thác thuận lợi hơn). Khi nổ mìn, phá đá trong khu mỏ của mình để làm đường, vì đá ở đây lẫn với quặng nên đơn vị thi công đã tách phần quặng ra khỏi đá (trị giá hơn 2 tỷ). Số quặng này vẫn được giữ tại hiện trường chưa được đưa ra thị trường để trở thành hàng hóa.

Ông Đinh Tiến Hùng chỉ ra những điều anh cho là chưa thỏa đáng ở Kết luận điều tra.

Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố một số người theo khoản 2 Điều 227 tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cho rằng có căn cứ oan sai và dấu hiệu không bình thường của vụ án này vì:

Một là: Công ty Tuyên Huy tận thu phế liệu bóc tách đất đá làm đường có chì kẽm để tránh hoang phí, là việc làm được Nhà nước khuyến khích, pháp luật bảo hộ. Mặt khác, Công ty Tuyên Huy đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ khoáng sản tại khu vực mỏ Núi Ngang; số khoáng sản tận thu bóc tách từ đất đá làm đường, đang được Công ty Tuyên Huy quản lý, chờ khi có Giấy phép khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp mới tiêu thụ, đây cũng là việc làm đúng quyết định đầu tư, không trái pháp luật.

Hai là: Vụ việc nói trên được thực hiện do pháp nhân là Công ty TNHH Tuyên Huy đã được UBND tỉnh Yên Bái cho phép đầu tư và UBND huyện Yên Bình cho phép làm đường vào mỏ do vốn của doanh nghiệp tự đầu tư. Như vậy, giả sử có sai phạm thì phải xử lý vi phạm của pháp nhân (Công ty TNHH Tuyên Huy) theo Khoản 4, Điều 227 BLHS. Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong vụ việc này là có căn cứ oan sai.

“Tôi đọc cả Kết luận điều tra vụ án, để đề nghị truy tố một cán bộ mà chỉ căn cứ lời khai của người “làm chứng”, ngoài ra không có một chứng cứ vật chất hoặc thể hiện chứng cứ khách quan nào. Nếu khởi tố, truy tố, xét xử bằng lời khai,… thì rất nguy hiểm, ai cũng có thể bị, nếu như chỉ cần tập hợp 1 số người dàn dựng kịch bản vu khống vụ việc và được khai thống nhất” – Luật sư Trần Đình Triển nhận định.

Theo luật sư Đỗ Như Thành, hành vi "khai thác khoáng sản trái phép" của nhóm đối tượng có thể đã cấu thành nhưng hành vi phạm tội đến cùng chưa đạt. Toàn bộ đống đá khai thác ra được chất đống ngay cạnh nơi khai thác, chưa được bóc tách phân loại quặng, chưa được tiêu thụ. Tức tài sản của Nhà nước chưa bị thất thoát. Thêm nữa, việc giám định hàm lượng quặng có trong đống đá này có dấu hiệu thiếu khách quan, và từ đây con số giám định cũng thiếu khách quan khiến việc định giá (hơn 2 tỷ đồng) không chính xác.

Theo các luật sư, có vẻ khiên cưỡng khi đưa ông Đinh Tiến Hùng vào vụ án. Kết luận điều tra và cáo trạng nêu người của hai Công ty Ngọc Tâm và Tuyên Huy đã khai thác đá làm đường lên mỏ, quá trình làm đường họ tự nảy sinh và tự thực hiện việc khai thác "chui" quặng chì, kẽm, vậy làm sao ông Đinh Tiến Hùng phải “lo cơ chế, lo quan hệ” cho họ? Họ đã làm thì phải có công nhân, có thuốc nổ, tức họ có "nghề", cớ sao ông Đinh Tiến Hùng phải yêu cầu tìm người lên khai thác mỏ "chui", và cớ sao phải yêu cầu họ tìm người đứng ra nhận thuốc nổ…

Ông Đinh Tiến Hùng đã gửi đơn khiếu nại, cầu cứu đến cơ quan TƯ và địa phương.

Cáo trạng không chỉ rõ Đinh Tiến Hùng đã tìm ai lên khai thác "chui" mỏ chì, kẽm. Cáo trạng cũng đơn giản cáo buộc ông Đinh Tiến Hùng có ý định "lấy 1/3 lợi nhuận" trong việc khai thác "chui" mà không cho thấy có văn bản gì cam kết. Ngoài ra có những mâu thuẫn rất nghiêm trọng trong các bản kết luận điều tra về "ăn chia lợi nhuận", sự khó hiểu khi xuất hiện "file ghi âm" do các đối tượng giao nộp sau khi vụ án đã khởi tố 16 tháng, nhưng cáo trạng không làm rõ.

Bản cáo trạng bỏ qua mâu thuẫn giữa các bản KLĐT, không làm sáng tỏ căn nguyên của mâu thuẫn đó. Luật sư cho rằng, nếu cáo trạng cho rằng việc khai thác đá làm đường và việc khai thác quặng chì, kẽm do ông Đinh Tiến Hùng “khởi xướng”, vậy thì bị can này đã giao cho ai thuộc công ty Tuyên Huy chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện việc khai thác "chui"?

Cáo trạng không nêu ông Đinh Tiến Hùng đã làm gì trong việc khai thác tài nguyên "chui", giúp đỡ, hỗ trợ gì cho Lăng Đức Hân và các đối tượng khác, cũng không nêu được bị can Đinh Tiến Hùng đã có hành động như thế nào, liên quan ra sao đến việc khai thác tài nguyên trái phép, gây tổn hại cho xã hội...

Không xét thấu đáo có thể dẫn đến oan sai

Nhìn nhận về những bản Kết luận điều tra này, trao đổi với phóng viên, một nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho rằng, những nội dung buộc tội bị can Đinh Tiến Hùng chưa đảm bảo "điều kiện đủ".

Cụ thể, theo vị này Kết luận điều tra cho rằng, Đinh Tiến Hùng có vai trò ‘người tổ chức, vậy với tội tổ chức để khai thác khoáng sản trái phép, thì bây giờ phải nói rõ các điều kiện được gọi là “người tổ chức được khai thác”. Tổ chức có nghĩa là phải triển khai, bàn bạc với nhau, hợp tác với nhau cùng làm, rồi phân công nhau trong các công việc, rồi lên kế hoạch…

“Còn ở đây một cuộc gặp đầu tiên vài chục phút ở quán cafe Đồng Tâm cần phải làm rõ thêm nhiều bởi vì nếu như thế thì chưa gọi là tổ chức bởi vì đây là gặp lần đầu tiên, thì mới có thể là thông tin với nhau về một việc gì đấy. Tôi đọc các Kết luận thì nó cũng chưa có phân công, chưa có "bày binh bố trận". Trước hết là chưa có một cái kế hoạch để "dàn trận chiến đấu". Có nghĩa là mình chưa thể nói đó là “tổ chức” được mà chỉ là đang “thăm dò, hỏi thăm” - vị này nói.

Quán cà phê Đồng Tâm (đường Yên Ninh, TP Yên Bái), nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Hùng và các đối tượng, đây được xem là "chứng cứ trực tiếp quan trọng nhất của vụ án".

Cũng theo vị nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao này, để đủ căn cứ kết luận điều tra khách quan cần chứng minh được:

Thứ nhất là cùng ý chí: Là có một nguyện vọng ý chí chung nhau sắp tới, ở đây có cái mỏ như thế bây giờ tôi khai thác, rồi là phân công nhau, tôi làm cái gì? Ông làm cái gì? Thời gian ra làm sao? kế hoạch như thế nào? Bao giờ ta gặp gỡ nhau? Về suy nghĩ đi bao giờ ta gặp gỡ nhau ta bàn lại?... những cái này tôi chưa thấy được làm rõ, cần yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, nếu cần thiết điều tra lại.

Thứ hai là cùng nhau xác định mục tiêu: Là trong vụ việc này, để đạt được cái mục tiêu ấy phải có được cái nội dung hoạt động thế nào? Và để đạt được nội dung hoạt động như thế phải có các phương thức hoạt động thế nào? Và cái cuối cùng là phân công nhau hoạt động để đạt được mục tiêu, thì đó mới là tổ chức.

"Theo tôi, Kết luận điều tra hơi đơn giản, nêu ra được vấn đề, chưa thể hiện được chi tiết những cái muốn chứng minh cho nội dung muốn nhắm đến là bị can Đinh Tiến Hùng là người mang vai trò tổ chức. Phải có một bản kết luận điều tra đầy đủ, khách quan. Bởi sau đó, bên Viện KSND tỉnh sẽ làm căn cứ đánh giá, thảo luận. Sau đó, có thể có những cái mà chưa rõ Viện KSND tỉnh còn phải thỉnh thị ý kiến cấp trên, hoặc là trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan với nhau", nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho hay .

Theo vị Nguyên lãnh đạo Viện KSND tối cao này, ở vụ án cần tuân thủ nghiêm ngặt Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Bởi theo vị này, kết luận điều tra đây mới có một cuộc trao đổi chóng vánh nên rất băn khoăn vụ án.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn LS Hà Nội cho rằng: Sau khi đọc kỹ các bản kết luận điều tra và cáo trạng truy tố thì kết luận điều tra và cáo trạng đã không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can Đinh Tiến Hùng, tức không đủ yếu tố kết tội. Vụ án kéo dài cũng đã quá lâu, nhiều lần hồ sơ điều tra bị trả lại, gây xôn xao dư luận không cần thiết, có tác động xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh (tuy chưa tổn thất tài sản Nhà nước), cũng nên được khép lại có lý có tình, và đặc biệt không làm oan người vô tội. Theo đó, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Yên Bái và Viện KSND tỉnh Yên Bái cần tôn trọng Nguyên tắc Suy đoán vô tội trong Bộ luật Hình sự, đặc biệt khi vụ án này đã 3 lần hồ sơ điều tra bị trả lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái kêu oan: Cần xem xét thấu đáo!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO