Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Tùng Duy 07/09/2020 07:28

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

Vỉa taluy thẳng đứng bên trên rãnh móng đào sâu sát chân dẫn đến vụ sập chết người.

Qua trình thi công thiếu an toàn

Vụ sập taluy phía sau nhà điều hành của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ khiến 4 công nhân bị vùi lấp và tử nạn vẫn còn gây bàng hoàng dư luận.

Bờ taluy dài khoảng 20 m có độ cao trung bình 4 m (riêng tại vị trí sập chết người có độ cao hơn 5 m) tại thời điểm bị sập gây chết người (khoảng 9h30 phút sáng 1/9), quan sát cho thấy taluy được bạt theo phương thẳng đứng, và phía dưới chân taluy là rãnh cống móng được đào sâu khoảng 2 m rộng hơn 1,5 m.

Một đoạn rãnh cống đã được lắp dầm sắt và phân mố cọc. Đoạn còn lại (chỗ bị sập taluy) đang được các công nhân sửa vét đất dưới đáy rãnh (đoạn sâu 2 m) để tiếp tục đưa vật tư lắp vào thì taluy dựng đứng bên trên đổ ập xuống. Đoạn này không hề thấy được ép cự (đóng rào cọc sâu xuống làm ấm chân taluy), cũng không thấy dấu vết hoặc vật liệu gia cố chân, vỉa taluy như mô tả ở trên - không được mở vát, rãnh móng bên dưới thì đào sâu sát chân taluy.

Theo một chuyên gia xây dựng có mặt tại hiện trường, đây là quá trình thi công (người thi công, hoặc biện pháp thi công) rất thiếu an toàn, quá liều lĩnh, và được coi là tối kỵ - không được phép thực hiện trong xây dựng bờ kè taluy có độ cao như trên.

Công trình thuộc hạng mục xây dựng nào?

Quyết định số 1670/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ do ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký ngày 28/7/2020 đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng hạng mục: Cải tạo, sửa chữa hàng rào phía sau nhà điều hành và cải tạo, nâng cấp nhà để xe của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp -Hướng nghiệp.

Quyết định này của UBND tỉnh Phú Thọ ban hành sau khi Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp có tờ trình 74/TTr-TTKTTH-HN ngày 16/7/2020 và Báo cáo kết quả thẩm định của Sở KH&ĐT tỉnh Phú Thọ tại văn bản số 354/BC-SKH&ĐT ngày 23/7/2020.

Theo đó, hạng mục này có tổng mức đầu tư hơn 1,28 tỷ đồng với gói thầu chính phải đấu thầu rộng rãi qua mạng, thực hiện vào quý III năm nay.

Tìm hiểu của Đại Đoàn Kết qua mạng công khai thì hiện hạng mục vẫn chưa đấu thầu, tức cũng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu và chưa có hợp đồng xây lắp được ký kết.

Phát ngôn của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngay trong ngày xảy ra vụ tai nạn nói rằng công trình bị sập taluy không thuộc hạng mục được phê duyệt nói trên. Tuy nhiên theo thực tế tại hiện trường, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy việc đào cống móng là để xây tường chắn taluy phía sau nhà điều hành, và lượng đất đá, vật liệu xây dựng tại chỗ khẳng định chắc chắn đó là một công trình xây dựng, chứ không phải là đống đất, rác mà nhà trường này cần thuê công nhân vào “dọn dẹp” đón ngày khai giảng năm học mới – như lời bà Vũ Thị Thúy Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp đã nói với báo chí.

Như vậy, nếu việc đào móng, xây tường kè vỉa taluy này không thuộc hạng mục theo Quyết định 1670 của UBND tỉnh Phú Thọ, thì thuộc hạng mục nào, tổng đầu tư bao nhiêu, ai phê duyệt, ai tư vấn thiết kế giám sát, chỉ định thầu hay đấu thầu?

Nếu là một công trình xây dựng do nhà trường tự ý thực hiện, tự thuê công nhân, thì đã thấy rõ sự vi phạm pháp luật. Nếu chỉ là việc nhà trường “thuê người vào dọn dẹp” thì chưa phù hợp với thực tiễn công trường (được biết nhà trường đã “xin chủ trương” của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ về việc “dọn dẹp” để đón khai giảng và được Sở này đồng ý).

Được biết, ngày 6/9 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện giám định hiện trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO