Vụ sụt lún, giếng cạn tại Nghệ An: Làm rõ nguyên nhân, người dân chưa đồng ý

Điền Bắc 03/08/2022 09:49

Sau hơn 2 tháng triển khai với nhiều phương pháp nghiệp vụ, ngày 1/8, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã có báo cáo nguyên nhân sụt lún tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) suốt 2 năm qua.

Người dân, chính quyền huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chưa đồng ý với kết luận nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún tại xã Châu Hồng do Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ công bố ngày 1/8.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận kết quả điều tra nguyên nhân, người dân và chính quyền huyện Quỳ Hợp chưa đồng tình với các nguyên nhân do đơn vị chuyên môn đưa ra. Thậm chí, ra tối hậu thư 10 ngày, nếu không sẽ hủy hợp đồng, báo cáo tỉnh có hướng xử lý.

Không thuyết phục

Sáng 1/8, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (gọi Liên đoàn địa chất) đã có báo cáo cơ bản về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt nẻ, sụt lún, giếng cạn tại xã Châu Hồng cho UBND huyện Quỳ Hợp. Theo đó, một số nguyên nhân ban đầu đã được Liên đoàn địa chất xác định.

Cụ thể, đơn vị này đã nêu ra 6 nguyên nhân như do địa hình, địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng, cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ, nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ Đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực. Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới Karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.

Sau khi nghe báo cáo, UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ cần nghiên cứu kỹ hơn, xác định cụ thể hơn nguyên nhân dẫn đến sụt lún, nứt nẻ nhà cửa. Bởi, dù đã xác định nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm, nhưng nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm thì đơn vị này vẫn chưa xác định được.

Sau khi nguyên nhân ban đầu được công bố, chính quyền và người dân nơi đây tỏ ra chưa đồng tình. Họ cho rằng, nguyên nhân thiếu thuyết phục vì những yếu tố mà Liên đoàn địa chất nêu, trong nhiều báo cáo huyện, xã đã chỉ ra.

“Hơn 2 tháng khảo sát, tốn ngân sách nhưng Liên đoàn địa chất công bố các nguyên nhân mà dân chúng tôi đã biết hơn 1 năm trước. Trước năm 2019 hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, giếng cạn nước chưa bao giờ xảy ra. Nhưng từ khi, Công ty Tân Hoàng Khang khai thác quặng thiếc âm dưới độ sâu hàng chục mét, hiện tượng này liên tiếp xuất hiện. Đó là nguyên nhân trực tiếp, bởi khi đơn vị này dừng khai thác, giếng có nước trở lại” - ông N.V.L. trú bản Công, xã Châu Hồng cho biết.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, nguyên nhân gây sụt lún, nứt nẻ nhà cửa ở xã Châu Hồng mà Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ đưa ra sau nhiều tháng khảo sát chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thuyết phục nên huyện không chấp nhận.

“Đây là những nguyên nhân về mặt tự nhiên, việc này đã biết từ lâu. Huyện và nhân dân cần là nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm, có hay không doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây nên. Liên đoàn địa chất phải nêu cụ thể, chi tiết. Do đó, huyện đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ phải báo cáo lại, sau 10/8 nếu không đưa ra được nguyên nhân rõ ràng, chúng tôi sẽ báo cáo xuống tỉnh” - ông Lợi cho biết.

Cũng theo ông Lợi, việc huyện yêu cầu Liên đoàn địa chất không phải làm khó, nhưng đó cũng là cơ sở để huyện đưa ra giải pháp lâu dài và ổn định, đồng thời để trả lời cho người dân và báo cáo cấp trên.

“Không phát hiện dấu hiệu gì bất thường”

Trước yêu cầu của UBND huyện Quỳ Hợp, trả lời báo chí, một lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, theo yêu cầu của huyện, suốt 3 tháng qua, đơn vị đã khoan 13 mũi khoan, kết quả không phát hiện dấu hiệu gì bất thường.

Trong quá trình khoan thăm dò điều tra, một số mỏ khoáng sản xung quanh không hoạt động, do đó quá trình điều tra đặc điểm địa chất, thủy văn tại khu vực đó không có quan hệ mật thiết gì. Không xác định được dấu hiệu liên quan tới các mỏ khoáng sản. Không có số liệu khoa học nên Liên đoàn không chỉ ra đơn vị nào trực tiếp gây ra nguyên nhân.

Do đó, đơn vị đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ không thể đưa ra kết luận vì không có cơ sở số liệu. Muốn có cơ sở khoa học để chỉ đích danh nguyên nhân thì ít nhất phải mất 1 năm điều tra, tốn kém rất nhiều tiền…

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, Sở chưa nắm được, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ mới báo cáo với huyện Quỳ Hợp, chưa báo cáo với Sở.

Trước đó, theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, trong thời gian hơn 2 năm (từ 2020-2022), địa phương này liên tiếp xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước cạn khô. Tính đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, sau ngày 29/5/2022 khi tỉnh chỉ đạo tạm dừng sử dụng nước ngầm khai thác khoảng sản, không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. Cùng với đó, toàn bộ 299 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy, nay cũng đã có nước trở lại.

Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, hiện nay đã có 10 hộ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng nhất, phải sơ tán người và tài sản, đã được chính quyền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ sụt lún, giếng cạn tại Nghệ An: Làm rõ nguyên nhân, người dân chưa đồng ý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO