Vụ vỡ nợ hàng chục tỷ đồng ở huyện Triệu Sơn - Thanh Hoá: Dân sự hay hình sự?

Trung Ngôn - Hân Gia 19/07/2017 08:00

Tháng 6/2016, một số người dân thuộc thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã gửi đơn tố cáo về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Quách Thị Thuý đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá.

Ngày 22/5/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã có thông báo kết quả giải quyết tin báo về tội phạm số 374/PC44 và cho rằng hành vi của Quách Thị Thuý không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, việc vay nợ tiền giữa bà Thuý với các công dân chỉ là tranh chấp hợp đồng vay mượn tài sản thuộc quan hệ dân sự.

Nhận được thông báo trên, những người dân có tiền cho bà Thuý vay tại huyện Triệu Sơn hết sức bức xúc.

Bà Lê Thanh Thủy - người cho Thuý vay số tiền 5,6 tỷ đồng, vẻ mặt thất thần, nói giọng buồn rầu: “Vì cô Thuý đến nói khéo cho vay vì gia đình cô ấy đang gặp khó khăn”. Hiện bà Thuỷ chỉ mong, cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh làm rõ để bà có thể nhận lại số tiền đã cho Thuý vay.

Ông Lê Minh Hưng- người cho Thuý vay 700 triệu đồng, hiện đang bị “mắc kẹt” và một số chủ nợ khác, giãi bày: Cách của bà Thúy là nhằm vào những người thân, họ hàng...nên dễ có lòng tin để vay tiền trót lọt. Cùng với đó là những “mẹo mực” như vay tiền của người này nhưng không nói với người kia; nói là chỉ “vay nóng” khoảng 1 - 2 tháng, là cần số tiền gấp để mua nhà đất, hiện đang làm sổ đỏ, vài ngày nữa là xong; nếu đến hạn không trả được, bà sẽ thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để trả nợ (?!). Quả thật, mọi người đều “mắt thấy”vợ chồng bà Thúy tậu tới 2 căn nhà ở thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn nên dốc hết hầu bao, thậm chí vay lãi để cho bà Thúy vay lại. Chỉ trong thời gian tương đối ngắn, bà Thúy đã vay được số tiền rất lớn.

Chỉ đến khi bà Thúy đã bán trót lọt 2 căn nhà ở thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, mà không trả một đồng nào cho các chủ nợ, mọi người mới biết đã bị bà Thúy cho xơi “quả đắng”.

Càng cay đắng hơn, ngay khi bà Thúy mới “rục rịch” bán nhà, các chủ nợ đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn giao dịch này, nhằm bảo đảm tài sản để bà Thúy trả nợ cho mình, nhưng không có kết quả.

Bởi khi cho bà Thúy vay tiền, do quá tin tưởng bà này và do thiếu hiểu biết pháp luật nên trong các giấy vay nợ viết tay giữa 2 bên không ràng buộc điều khoản nhà đất của bà Thúy là vật thế chấp vay tiền của các hộ, cơ quan chức năng không có cơ sở để ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng tài sản của bà Thúy.

Khi các hộ làm gắt, có đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết theo pháp luật, thì bà Thúy gặp một số chủ nợ đề nghị...tiếp tục cho khất nợ và trả dần, với mức...vài triệu một tháng (?). So với số tiền mỗi chủ nợ đã cho bà Thúy vay từ hàng trăm triệu đến hàng 5, 6 tỷ đồng thì đề nghị trả nợ như trên là không thực tế, vì đến bao giờ các hộ mới lấy lại hết số nợ? Bà Thúy bán nhà ngay trước mắt các chủ nợ nhưng không thanh toán nợ cho họ, dù chỉ một đồng.

Vậy toàn bộ tiền vay nói chung, tiền bán nhà nói riêng, bà Thúy đã dùng vào việc gì? Trước khi vay, bà Thúy có cân đối khả năng trả nợ trong hay không? Bà Thúy đã dùng tiền vay vào việc gì? Có đầu tư vào sản xuất - kinh doanh không, cụ thể là đầu tư ngành nghề gì, ở đâu, và gặp bất trắc như thế nào để đến nỗi mất vốn, không thanh toán được cho các chủ nợ?? Hoặc bà Thúy đã tẩu tán, cất giấu ở đâu?

Tại công văn số 806/2017/CV/HL của Công ty THHH Luật Hòa Lợi gửi Phòng PC44 Công an tỉnh Thanh Hóa với nội dung: Trong suốt thời gian từ năm 2015 đến năm 2016, bà Quách Thị Thuý đã thực hiện hàng loạt các giao dịch vay nợ của các công dân thuộc thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá với tổng số tiền cả hai vợ chồng bà Thuý vay lên đến 17,3 tỷ đồng. Bà Thuý đã tạo niềm tin bằng việc nói dối, hứa hẹn, cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật... để các công dân giao tiền bằng hình thức giấy vay tiền. Trong giấy vay tiền mặt giữa bà Thuý với ông Lê Minh Hưng ngày 15/1/2016 không thuộc quan hệ dân sự và có dấu hiệu rõ ràng của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dấu hiệu này thể hiện: Trong giấy vay tiền mặt, bà Thuý cam kết: “Nếu đến ngày đã hẹn, tôi không trả được số tiền vay trên cho anh Hưng thì coi như tôi đã lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo số tiền đã vay của anh Hưng, lúc đó tôi sẽ chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật”.

Việc bà Thuý khẳng định và cam kết như vậy trong khi bà Thuý không có căn cứ, cơ sở nào đảm bảo có tiền để trả nợ, nhưng vì mục đích vay bằng được để rồi sau khi nhận được tiền chiếm đoạt không có ý thức trả khi đến hạn là thể hiện sự gian dối nhằm tạo lòng tin để ông Hưng cho vay tiền. Sau khi nhận được tiền, bà Thuý không có ý thức trả nợ mà cùng chồng bán tài sản là nhà đất và không trả nợ theo cam kết.

Đến nay bà Thuý vẫn chưa trả lại số tiền 700 triệu đồng cho ông Hưng, như vậy hành vi chiếm đoạt và mục đích chiếm đoạt đã hoàn thành. Hành vi của bà Thuý có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Từ những phân tích nêu trên và căn cứ vào Khoản 1 Điều 100 BLTTHS, Công ty TNHH Luật Hòa Lợi kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ vỡ nợ hàng chục tỷ đồng ở huyện Triệu Sơn - Thanh Hoá: Dân sự hay hình sự?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO