Vừa luyện thi tốt nghiệp THPT, vừa lo thi đánh giá năng lực: Thí sinh lưu ý gì?

Đức Minh 12/04/2023 15:26

Ngày càng nhiều các trường đại học sử dụng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, việc ôm đồm nhiều phương thức xét tuyển đang khiến không ít học sinh cuối cấp tăng áp lực.

Số lượng thí sinh đăng kí tham gia kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Đơn cử như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi, tổng số thí sinh đến dự thi đánh giá năng lực lần thứ 3 của Đại học Quốc gia Hà Nội là 10.179, đạt tỉ lệ 98,4%. Đây cũng là đợt thi có tỉ lệ thí sinh có mặt dự thi/số lượng đăng ký đạt cao nhất từ năm 2021 đến nay. Nhìn vào con số này có thể thấy sức ảnh hưởng của kỳ thi này là vô cùng lớn.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 3 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

So với những năm đầu tổ chức thi đánh giá năng lực thì những năm gần đây các trường tổ chức cũng đã có nhiều cải tiến hơn tạo thuận lợi cho thí sinh. Dù vậy, việc ôm đồm nhiều phương thức xét tuyển đang khiến không ít học sinh cuối cấp tăng áp lực khi vừa dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT vừa phải ôn thi đánh giá năng lực.

Không những thế, việc ôn thi kì thi đánh giá năng lực còn gây ra nhiều tranh cãi về việc thí sinh đầu tư thêm một khoản kinh phí cho kỳ thi này.

Một bộ phận phụ huynh bày tỏ ý kiến lo ngại về việc kỳ thi đánh giá năng lực không công bằng. Với các thí sinh đến từ gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì các em có thể đăng ký tham gia các lớp học luyện thi để nâng cao khả năng của mình. Trong khi đó, với các thí sinh khác không có điều kiện kinh tế thì các em lại không có cơ hội để cải thiện kết quả thi. Đây cũng là bài toán cân đối cho phụ huynh và học sinh khi quyết định sử dụng kì thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút lượng lớn thí sinh dự thi.

Về vấn đề này, cô Lê Thị Hải Hà - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông phân tích, đề thi đánh giá năng lực và đề thi tốt nghiệp THPT là hai kỳ thi khác nhau về cả nội dung và mục đích.

Kì thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhất để đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh sau khi hoàn thành chương trình học bậc THPT. Các đề thi THPT sẽ bao gồm các môn học đã được học trong suốt bậc phổ thông, gồm: Toán, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý, Tiếng Anh, và có tính phổ quát.

Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực là một kỳ thi tuyển sinh riêng biệt. Đề thi bao gồm các môn học chuyên môn như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh. Nội dung của các câu hỏi đánh giá năng lực thường được thiết kế để đánh giá khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng phân tích và suy luận logic, và không giống như các câu hỏi trắc nghiệm thông thường.

Vì vậy, cô Hà cho rằng, với những thí sinh muốn sử dụng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học cần xác định rõ định hướng từ đầu. Hai kỳ thi này có nội dung và mục đích khác nhau, và đề thi đánh giá năng lực không hề sát với đề thi tốt nghiệp THPT. Học sinh nên tránh việc dành thời gian quá nhiều vào kỳ thi đánh giá năng lực mà sao nhãng việc học trên lớp và ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Học sinh đã xác định được mục tiêu trường mình muốn vào thì có thể chọn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực là một trong những phương thức xét tuyển để tăng cơ hội đạt được mục tiêu mà các em mong muốn. Ngược lại, nếu các em không có định hướng rõ ràng thì việc thi đánh giá năng lực có thể mang tính tham khảo chứ không phải là yếu tố quyết định. Các em cần tập trung đúng vào trọng tâm thi tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng cái gì cũng học để rồi chấp chới khi thi cử”, cô Hà đưa ra lời khuyên với thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vừa luyện thi tốt nghiệp THPT, vừa lo thi đánh giá năng lực: Thí sinh lưu ý gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO