Vừa nới lỏng, vừa ‘dò đường’

LÊ ANH - HỒNG PHÚC 11/09/2021 06:56

TP Hồ Chí Minh đang từng bước nới lỏng tình trạng giãn cách, trong đó cho phép hoạt động trở lại dịch vụ kinh doanh bán hàng mang đi, theo nguyên tắc “mở cửa dần dần và an toàn đến đâu mở đến đó”.

Nới dần các hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu

Hai ngày qua, TP HCM đã cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được phép hoạt động trở lại. Đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) cũng được nới lỏng hoạt động trong phạm vi của quận, huyện và TP Thủ Đức. Ngoài ra, TP HCM cũng nới lỏng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, các cơ sở cửa hàng, nhà hàng và tiệm bán đồ ăn mở cửa nhỏ giọt. Tại một số tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức), Phan Xích Long, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ (quận Phú Nhuận, Bình Thạnh) nhiều chuỗi cửa hàng lớn của Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffe House, chuỗi nhà hàng lẩu băng chuyền Kichi-Kichi...chưa mở.

Theo chị Đỗ Phương Vy (33 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức), từ hai ngày nay chị cố gắng sử dụng ứng dụng của hệ thống The Coffee House, trong đó nhập địa chỉ cửa hàng gần nhất nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) để đặt hàng nhưng phần mềm báo lỗi “cửa hàng quá xa so với vị trí của bạn”. Khi kiểm tra thực tế, cửa hàng này vẫn chưa mở cửa trở lại.

Anh Phạm Văn Huân, chủ một quán ăn (cơm trưa + chiều) trên đường Nguyễn Duy Trinh, gần chợ Tân Lập (TP Thủ Đức) cũng cho biết chưa thể hoạt động lại quán ăn do chưa có nhân viên nhập nguyên liệu, nhân viên nấu ăn cũng đã về quê nghỉ dịch hơn một tháng qua.

Cũng theo anh Huân, hiện cửa hàng ăn của gia đình cũng chưa đăng ký bán hàng qua ứng dụng, nên theo quy định hiện nay cũng khó khả thi để hoạt động trở lại. Tại một số tuyến đường tại các quận nội thành như Bình Thạnh, Phú Nhuận, tình trạng diễn ra tương tự. Trong số các cửa hàng nhỏ mở trở lại, nhưng nhiều chủ quán vẫn còn băn khoăn về các quy định mở cửa nhóm ngành hàng thực phẩm, đồ ăn của thành phố.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc mở cửa một số hoạt động kinh doanh được thành phố hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức dựa trên nguyên tắc mở cửa dần dần và an toàn đến đâu mở đến đó. Tuy nhiên, để trở lại trạng thái “bình thường mới”, thành phố sẽ xem xét mở cửa theo từng bước. “Mở lại hoạt động có nguyên tắc thì sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo tốt cho phục hồi hoạt động sản xuất” - ông Phan Văn Mãi Mãi nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương, thời gian qua nhu cầu về thực phẩm tươi sống, chế biến…đang tăng lên. Sở cũng đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, nhưng hầu hết đều phản ánh đang gặp khó khăn nguồn cung. Ông Phương cho biết, hiện các các nhà cung cấp thực phẩm chế biến chưa thuộc đối tượng đi đường. Sở Công Thương đã tính toán phương án trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, có hệ thống kho trung chuyển với hàng hóa dự trữ số lượng lớn, có đội ngũ xe chuyên chở nhiều. Đây sẽ là các đơn vị được ưu tiên cấp giấy đi đường. Bên cạnh đó, Sở này cũng sẽ có phương án chủ động để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Để giải quyết các khó khăn, TP HCM gia hạn thời hạn giấy đi đường do Công an TP HCM đã cấp, được cho phép hiệu lực kéo dài đến ngày 15/9. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu, vẫn còn tồn tại tình trạng xe núp bóng chở người về các tỉnh khác. Vì vậy, Công an TP HCM đang xây dựng kế hoạch và phương án kiểm soát. Trong đó, đối với xe luồng xanh, thành phố chỉ kiểm tra một điểm dừng, không kiểm soát khi xe lưu thông. Do đó, đây là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng để hoạt động “chui”.

TP HCM vẫn thận trọng đối với “vùng đỏ”.

Các tiêu chí bắt buộc khi “bình thường mới”

Hiện nay, quận 7 là một trong hai địa phương đầu tiên của TP HCM sớm công bố kiểm soát được dịch bệnh. Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, theo kế hoạch và chỉ đạo của TP, tới đây quận sẽ triển khai một loạt các chủ trương về nới lỏng giãn cách, tuy nhiên phải đảm bảo 5 tiêu chí, gồm: giảm tỉ lệ tử vong của người mắc Covid-19; khẩn trương xét nghiệm để mở rộng vùng xanh, không bị lây nhiễm; duy trì và kiểm soát lây nhiễm, không để lây lan, phát sinh thêm ổ dịch mới; người dân phải được tiêm vaccine mũi 1 trên 70%. Cho đến nay, quận 7 cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, khoảng 98-99%, trong khi hơn một tháng qua, quận không xuất hiện ổ lây nhiễm mới.

Theo ông Anh, nếu trong điều kiện bình thường, kể từ sau 15/9, quận 7 dự kiến sẽ mở lại một số ngành nghề hoạt động về lương thực thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống đường phố với hình thức bán mang đi. Trong đó, quận 7 sẽ thực hiện mô hình gắn bảng “hộ kinh doanh xanh” hoặc “hộ kinh doanh an toàn”, để cho phép các cửa hàng, cơ sở kinh doanh được hoạt động trở lại.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, từ nay đến 15/9, các chuỗi cung ứng hàng hóa (siêu thị) sẽ được mở đến xã, phường, thị trấn trong điều kiện đảm bảo các kế hoạch an toàn. Tuy nhiên, tại các khu vực vùng đỏ, người giao hàng vẫn đi chợ thay người dân, trong khi vẫn thực hiện nghiêm quy định giãn cách của thành phố đã được triển khai từ ngày 23/8 đến nay. Tại các vùng xanh, thành phố nới lỏng cho phép người dân được đi chợ 1 tuần/lần và khuyến khích những người đi chợ đã tiêm 2 mũi vaccine. Ngoài được thí điểm bán hàng mang đi, sau ngày 15/9, thành phố sẽ tiếp tục công bố mở lại những hoạt động đảm bảo an toàn.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến sau thời điểm 15/9 thành phố sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh hoạt động thương mại điện tử thông qua người giao hàng; ngành trang thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm; hoạt động của cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng…

Đánh giá về một loạt các chủ trương kể trên của TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc thực hiện giãn cách ở nhiều mức độ khác nhau đã giúp thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh ở một số nơi, từng bước mở dần lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố trong quá trình nới lỏng về trạng thái bình thường mới vẫn cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố an toàn, đồng thời bày tỏ kỳ vọng hoạt động kinh doanh mở lại thì số người cần trợ cấp sẽ bớt đi, giảm gánh nặng chung cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vừa nới lỏng, vừa ‘dò đường’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO