Vực dậy ngành gỗ sau dịch Covid-19

Hải Nhi 16/05/2020 08:00

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19.

Vực dậy ngành gỗ sau dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh tới ngành gỗ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp đã có bước phát triển nhanh, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành gỗ góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động có nguồn sinh kế từ rừng. Hiện có khoảng 4.600 doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi giá trị ngành hàng gỗ và lâm sản. Việt Nam đã nắm bắt tiếp cận được công nghệ hiện đại. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, là quốc gia thứ 2 ký được Nghị định thư về thương mại gỗ với Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam đã có những tác động tiêu cực, đặc biệt tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã phải hoãn hoặc hủy, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc… Theo thông tin từ một số DN, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao, hàng ngàn container hàng ùn ứ tại các cảng biển châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.

Còn theo kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 DN cho thấy 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng. Hầu hết các DN thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường, 86% DN ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Dịch Covid-19 cũng đã tác động mạnh tới tình hình lao động và việc làm của công nhân trong ngành gỗ. Theo báo cáo của các Hiệp hội, hầu hết các DN phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên (khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn. Đối với các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 200 ngàn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhận định, sang quý III/2020 cơ bản khống chế được dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được ổn định trở lại, các doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp sáng tạo, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2019, tăng trưởng quý III phải cao hơn quý II 43%. Quý IV ngành gỗ phải đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 15%.

Theo ông Tuấn, với năng lực sản xuất của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề là đánh giá, tiếp cận giữ bằng được đơn hàng. Nếu vậy, cả năm 2020 xuất khẩu có khả năng đạt được khoảng 12 tỉ USD.

Về giải pháp trước mắt, các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị cần sớm tạo điều kiện chi trả các kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong ngành gỗ bị mất việc, giảm việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ và giảm, giãn, hoãn thời gian chi trả lãi suất ngân hàng, giãn thời gian chi trả bảo hiểm công nhân cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ưu tiên mua sắm công cho các nhóm sản phẩm gỗ chế biến trong nước nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa...

Theo ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện đang có nhiều cơ hội để ngành gỗ tăng trưởng hai con số trong năm 2020, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ có triển vọng tích cực và đặc biệt DN đang tích cực chuyển đổi sản phẩm cốt lõi. “Do đó DN cần xây dựng lại chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển sản phẩm đồ gỗ dành cho gia đình là ưu tiên số 1. Thực tế, những nhà máy làm không kịp đơn hàng chính là đi theo cách này, đây là cơ hội mở ra đường hướng cho ngành gỗ. Cùng với đó, ngành gỗ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng”- ông Lập nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn các bộ ngành chung tay cùng gỡ khó khăn tạm thời, tiếp tục thúc đẩy ngành hàng, phấn đấu đưa Việt Nam không chỉ đứng thứ 4 về xuất khẩu, mà hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và xuất khẩu lâm sản hàng đầu thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy ngành gỗ sau dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO