Vùng đất hiếu học Hải Lăng

NGHĨA VĂN 22/05/2022 08:49

Huyện Hải Lăng ngày trước được biết đến là vùng đất hiếu học sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa như: Đặng Dung, Bùi Dục Tài, Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Văn Hiển, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Trừng, Trần Hoàn... Hải Lăng giờ được biết đến nhiều hơn bởi đây là quê hương của nhiều “nhà leo núi” trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.

Ông Lê Thanh Ái, bố của 2 “nhà leo núi” Lê Thanh Tân Nhật và Lê Thanh Quý Hải.

Huyện “Olympia”

Trung tuần tháng này chúng tôi có dịp về thăm Hải Lăng (Quảng Trị) - nơi những năm gần đây có nhiều thí sinh tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và gặt hái nhiều thành tích ấn tượng.

Đích đến của chúng tôi là làng Quy Thiện, xã Hải Quy nơi có 2 anh em Lê Thanh Tân Nhật và Lê Thanh Quý Hải cùng là “nhà leo núi”. Hiện các “nhà leo núi” trước đó đã đi học ở xa, chúng tôi chỉ được gặp em Lê Thanh Quý Hải (học sinh lớp 12, trường THPT thị xã Quảng Trị) - người tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2021.

Từ quốc lộ1A, rẽ về hướng Đông chừng 3km, băng qua đoạn đường với đồng ruộng hai bên đang thu hoạch thơm nức mùi rơm, lúa, chúng tôi được chỉ dẫn đi vào con đường làng nhỏ mát mẻ với bóng cây phủ kín hai bên: “Vào cổng làng đó, gặp ngã ba chú rẽ phải chạy thẳng đến khi mô gặp nhà làm thợ mộc là nhà hắn đó!”, một người phụ nữ tuổi trung niên hướng dẫn chúng tôi.

Đến nhà, ông Lê Thanh Ái (50 tuổi) - bố của Tân Nhật, Quý Hải là người gặp và tiếp chuyện chúng tôi, ông kể lại, ngay từ nhỏ, 2 người con trai của ông đã chủ động trong việc học tập và chỉ theo học chương trình ở trường chứ không đi học thêm.

Gia đình ông không hề ép buộc hay bắt các con phải đạt được mục tiêu này, hướng đến thành tích mà tất cả đều là do Tân Nhật, Quý Hải tự động tìm tòi, tự đặt ra những chỉ tiêu để phấn đấu trong việc học tập của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, Quý Hải - “nhà leo núi” có dáng vẻ mảnh khảnh, đôi mắt sáng, tươi tắn cho biết: Bản thân em học tập vì thấy hứng thú chứ không phải do bố mẹ gây áp lực.

Với việc học tập của mình em nói: “Từ trước đến nay chủ yếu là em tự học và cũng ít khi hỏi bài từ anh trai của mình. Em thường sử dụng mạng xã hội để tìm tài liệu, để kết nối, trao đổi với các bạn có cùng sở thích mày mò kiến thức như mình. Trong thời gian đó em quen với bạn Nguyễn Minh Triết (THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) và đây cũng là thí sinh mà em ấn tượng nhất”.

“Mục sở thị” góc học tập của 2 “nhà leo núi” chúng tôi thấy có những cuốn sách giáo khoa cơ bản được đặt trên giá, một chiếc laptop nằm trên bàn và một số vở, giấy, bút còn ngổn ngang... Hải cho biết, buổi tối em thường học đến 11, 12 giờ rồi đi ngủ và sáng hôm sau thức dậy vào khoảng 5, 6 giờ. Em rất thích thể thao và thường chơi bóng đá ở vị trí tiền đạo.

Nhớ về câu chuyện tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, Hải kể: “Thí sinh trong Đường lên đỉnh Olympia đều rất giỏi, các bạn ấy có hiểu biết sâu rộng về tất cả các lĩnh vực. Em vui vì mình đã thể hiện tốt trong cuộc thi tuần, tuy nhiên sau đó thì khá nuối tiếc về kết quả của cuộc thi tháng. Nhiều câu hỏi trong cuộc thi tháng đều nằm trong khả năng hiểu biết của em, tuy nhiên em đã trả lời sai vì thiếu một chút bình tĩnh”.

Được biết, sau khi dừng lại đầy đáng tiếc tại cuộc thi tháng 3, quý IV chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2021, hiện nay Quý Hải đang tập trung cho việc thi đại học và em dự định sẽ lựa chọn một trường đại học kinh tế.

Dù không thể tiếp bước người anh trai Lê Thanh Tân Nhật (vào đến trung kết và trở thành Á quân năm 2018), tuy nhiên, việc 2 anh em ruột cùng tham gia “Đường lên đỉnh Olympia” cũng là chuyện “xưa nay hiếm”. Bên cạnh đó, Lê Thanh Quý Hải cũng đã góp phần làm “dày” và nâng thành tích thí sinh thi “Đường lên đỉnh Olympia” của huyện Hải Lăng lên con số 5.

Trước em, huyện Hải Lăng đã có Quán quân năm 2015 - Văn Viết Đức (xã Hải Phú), Quán quân 2017 - Phan Đăng Nhật Minh (thị trấn Hải Lăng), Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Hải Phú) - về 3 trong trận chung kết năm 2020 và anh trai Quý Hải - Lê Thanh Tân Nhật - Á quân 2018.

“Nhà leo núi” Lê Thanh Quý Hải.

Tự hào truyền thống hiếu học

Trước tinh thần hiếu học và kết quả học tập của anh em Nhật - Hải, Chủ tịch UBND xã Quý Hải Lê Mạnh Hùng tự hào: “Không phải chỉ riêng tại xã Hải Quy mà tại nhiều nơi chắc chắn rất hiếm nhà nào có 2 người con đều tham gia thi “Đường lên đỉnh Olympia” như các con của ông Ái đã làm được. Nhật và Hải là niềm tự hào của xã Hải Quy chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ lấy đây làm tấm gương để lan tỏa đến các thế hệ học tập, noi theo”.

Bà Phan Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng trường THPT thị xã Quảng Trị vui mừng khi có 4 trong số 5 em tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” kể trên là học sinh của nhà trường. Bà Nga thông tin thêm, để có được thành tích này thì ngoài sự tự giác, nỗ lực của các em học sinh, phía nhà trường đã có một kế hoạch lâu dài.

Bà Nga cũng cho biết: Trường THPT thị xã Quảng Trị đã có kế hoạch để học sinh của nhà trường tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” từ 10 năm trước. Và, để có được gương mặt sáng giá tham gia chương trình này, trường đã tổ chức các cuộc thi tuần, tháng, quý và chung kết tại các khối, lớp tương tự như Đường lên đỉnh Olympia tổ chức. Sau khi tìm ra các thầy, cô trong nhà trường sẽ tiếp tục chuẩn bị, bồi dưỡng cho “nhà leo núi” và về kiến thức lẫn tinh thần để tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.

Cũng theo chia sẻ của bà Nga, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công này là các thế hệ học sinh đi trước như: Viết Đức, Tân Nhật… vẫn kết nối và thường xuyên liên lạc, trao đổi với nhà trường, qua đó lan tỏa tinh thần hiếu học đến với các em học sinh thế hệ đi sau. Cùng với đó, thư viện của nhà trường cũng được trang bị một khối lượng sách, tài liệu đồ sộ liên quan đến các cuộc thi, sân chơi trí tuệ để phục vụ các em học sinh có nhu cầu tìm hiểu.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng Lê Văn Thạnh nhớ lại, trước khi trở thành các “nhà leo núi”, khi còn học tiểu học, THCS, 5 gương mặt kể trên đã có thành tích rất cao trong những kỳ thi do huyện, tỉnh, quốc gia tổ chức.

Ông Thạnh cho rằng, ngoài yếu tố chuyên môn, thì truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó, sự động viên của gia đình, dòng họ chính là các yếu tố tạo nên thành tích cao trong học tập của học sinh. Ông Thạnh cũng dẫn chứng rằng, các dòng họ Văn, họ Phan… đều thực hiện rất tốt công tác khuyến học của mình, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học, động viên kịp thời cho các em học sinh.

Về phía mình, ông Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng khẳng định, những thành tích mà các “nhà leo núi” đã đạt được góp phần làm rạng rỡ quê hương Hải Lăng.

Ông Tá cho biết thêm, địa phương luôn quan tâm, đặc biệt là về mặt chất lượng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất đối với lĩnh vực giáo dục.

“Với tinh thần hiếu học, trong những năm trở lại đây, lĩnh vực giáo dục tại huyện Hải Lăng đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận. UBND huyện ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục nói chung và của các cá nhân nói riêng. Tất cả các em học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi tỉnh, quốc gia, hay chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đều nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời từ Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.

Đồng thời, chúng tôi tổ chức khen thưởng vào các dịp cuối năm học, đề nghị nhà trường đưa các em học sinh có thành tích cao trong học tập vào tập san của trường để tạo động lực cho các em học sinh khác, các thế hệ học sinh sau này noi theo”, ông Cáp Xuân Tá chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng đất hiếu học Hải Lăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO