Những ngày qua, nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc có nơi 1 độ C, băng giá, sương muối xuất hiện. Tại các tỉnh như Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng... nhiều ngày nhiệt độ ở mức 3-5 độ C.
Thông tin từ Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 20-22/12, nhiệt độ ở vùng cao phía Bắc vẫn có thể xuống ngưỡng 5 độ C. Đây là đợt rét khô, việc hình thành mưa tuyết sẽ khó xảy ra nhưng lại xuất hiện băng giá và sương muối gây hại cho vật nuôi, cây trồng.
Đáng lưu ý, đợt không khí lạnh này gây ra tình trạng chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm gia tăng. Giữa trưa nhiệt độ có thể lên 20 độ C, hửng nắng nhưng nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 10 độ C, rét buốt rõ rệt.
Ngày 20/12, thông tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, không khí lạnh đã đạt ngưỡng mạnh nhất, trong đó vùng núi Bắc Hà 4,7 độ C. Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân các khu vực vùng núi trong toàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt tại nơi có độ cao từ 2.000 m trở lên so với mực nước biển cần đề phòng băng giá, sương muối xuất hiện gây hại.
Còn tại các huyện Xín Mần, Quản Bạ, Mèo vạc, Đồng Văn (Hà Giang), đây là đợt không khí lạnh kéo dài nhất và sâu nhất kể từ đầu mùa đông. Nhiệt độ ngày 20/12 tại Mèo Vạc vẫn dưới 10 độ C.
Cũng trong ngày 20/12, trên đỉnh Phja Oắc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, băng giá bao phủ trắng. Đây cũng là nơi lạnh nhất phía Bắc trong đợt rét này. Đường lên Phja Oắc băng giá bao phủ, mưa lất phất càng thêm lạnh. Hai bên đường nhiều “cây băng” hiện ra. Đỉnh Phja Oắc cao 1.931m so với mực nước biển nên hằng năm thường có băng giá vào mùa đông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong mùa đông năm nay đỉnh núi Phja Oắc xuất hiện băng giá.
Trong khi đó, đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nhiệt độ cũng xuống rất thấp, tuy không bằng Phja Oắc của tỉnh Cao Bằng nhưng cũng “lạnh thấu xương” với nền nhiệt trung bình 2-5 độ C, kéo dài suốt ngày đêm. Đường lên đỉnh Mẫu Sơn nhiều nơi có băng giá, gây trơn trượt, nguy hiểm cho du khách.
Tỉnh Nghệ An cũng đang xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong vòng 2 năm qua tại địa phương. Tại xã Na Ngoi (huyện miền núi Kỳ Sơn) đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cối và mái nhà.
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh hạn chế ra trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học; hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nhốt nhất là ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Dự báo từ nay tới cuối tuần, khu vực miền núi phía Bắc nhiệt độ nhích lên nhưng không rõ rệt. Đợt lạnh kéo dài đã ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân cũng như sản xuất, chăn nuôi.
Từ đêm 17/12 đến trưa 19/12, tỉnh Kiên Giang đã chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, một số địa phương xuất hiện gió to, sóng lớn trên biển, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 3,8 tỷ đồng. Tại thành phố Phú Quốc, gió mạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 40 căn, nhiều cây ăn trái bị gãy đổ....