Vùng trũng thuế tại các doanh nghiệp lớn

H.Hương 28/02/2021 06:43

Giới chuyên gia cũng như nhiều nhà quản lý từng nhấn mạnh, ngành Thuế tập trung quản lý thu thuế đối với khu vực doanh nghiệp lớn, vì đây còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế.

Từ chuyện Coca-Cola lại tranh cãi về thuế…

Tuần đầu tiên trong năm mới 2021 tính theo Tết ta, rộ lên thông tin Cty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) “tranh cãi” với Tổng cục Thuế về kết quả thanh tra của Tổng cục này từ tháng 3/2017 - 12/2019.

Theo đó công ty này không đồng thuận với quyết định của Tổng cục Thuế về các vấn đề đang tranh chấp. Cụ thể, thông tin cho biết cơ quan Thuế có quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Coca-Cola, tổng tiền phạt hơn 821 tỷ đồng. Sau quyết định này, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỷ đồng.

Đáng chú ý Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan đã gửi kết luận giải quyết khiếu nại đến Coca-Cola Việt Nam. Với trường hợp, Coca-Cola không đồng ý thì doanh nghiệp (DN) này có thể khiếu nại lần 2 và cấp giải quyết sẽ thuộc Bộ Tài chính, rồi ra toà án.

Được biết, nội dung khiếu nại lần 1 của Coca-Cola tập trung vào một số vấn đề như cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai, trong đó có sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ...

Trường hợp thuế của CocaCola tốn rất nhiều bút, mực. DN này có hành trình 20 năm tại Việt Nam nhưng suốt 20 năm đó luôn kêu than thua lỗ. Coca-Cola Việt Nam liên tục kê khai lỗ ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.

Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt chi phí nguyên phụ liệu năm 2006 - 2007 lên đến 80 - 85% giá vốn. Tính ra từ khi “đặt chân” vào thị trường Việt Nam năm 2002 đến năm 2012, DN này báo lỗ lũy kế lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cho biết sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013, Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập DN cho Chính phủ Việt Nam. Năm 2013 trở đi đến nay công ty này bắt đầu kê khai khác, có thời gian lỗ có thời gian lãi

Công ty này từng bị Cục Thuế TP HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.

Cũng bàn đến chuyện thuế kéo dài hàng năm trời không chỉ diễn ra ở mỗi Coca-Cola, mà còn nhiều DN ngoại lớn khác. Chẳng hạn như năm 2018, Kiểm toán Nhà nước từng đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu số tiền thuế thu nhập DN giai đoạn 2009 - 2013 là 575 tỷ đồng đối với Unilever (100% vốn nước ngoài). Phía Unilever không đồng ý với số tiền truy thu.

… Đến chuyện doanh nghiệp nội chiếm tiền hoàn thuế

Trong khi đó, đối với khối DN nội cũng đang có diễn tiến trốn thuế nhiều. Đình đám về việc chiếm tiền hoàn thuế ngay đầu năm mới là Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và Cty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT hơn 336 tỷ đồng.

Chẳng hạn như công ty CP Dược phẩm Imexpharm (IMP) đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp trong năm 2018 và 2019 với tổng số tiền Imexpharm bị phạt và truy thu thuế là hơn 4,1 tỷ đồng.

Cụ thể theo Tổng cục Thuế, Imexpharm đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hơn 3 tỷ đồng (năm 2018 hơn 1,8 tỷ, năm 2019 là 1,1 tỷ). Do đó, DN bị phạt vì hành vi trên với mức phạt tiền bằng 20% số thuế truy thu, gồm tiền phạt khai sai thuế thu nhập DN 180 triệu đồng và tiền phạt kê khai thuế thu nhập cá nhân 424 triệu đồng.

Imexpharm cũng nộp thêm 479 tỷ đồng tiền chậm nộp tính đến hết ngày 27/1. Như vậy, tổng số tiền truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là hơn 4,1 tỷ đồng.

Trước Imexpharm, Cục Thuế TPHCM cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE). REE đã khai sai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ; khai sai chi phí được trừ dẫn đến thiếu tiền thuế GTGT, thuế thu nhập DN phải nộp.

Mức phạt 208,16 triệu đồng, trong đó phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp là 82,6 triệu đồng; phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập DN phải nộp là 125,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công ty bị truy thu thuế 1,04 tỷ đồng, bao gồm truy thu thuế GTGT 413,19 triệu đồng; truy thu thuế thu nhập DN là 627,62 triệu đồng. Ngoài ra, REE còn bị thu tiền chậm nộp thuế 141,9 triệu đồng.

Sẽ thanh tra theo phương pháp rủi ro

Hệ thống chính sách pháp luật về thuế đã được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Và dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát quá trình kê khai, nộp thuế của các đối tượng nộp thuế nhưng tình trạng trốn thuế trên thực tế vẫn diễn ra phức tạp và tinh vi.

Chẳng hạn như khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN có giao dịch liên kết thường xuyên báo lỗ để hạn chế nộp thuế. 1 báo cáo thống kê của Bộ Tài chính còn cho biết có đến 55% DN có vốn FDI báo lỗ trong năm 2019.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã phải lên tiếng cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy, để có giải pháp khắc phục hiện tượng này, mang lại hiệu quả trong đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN FDI, bảo đảm được lợi ích của Nhà nước trong thu hút nguồn vốn FDI, lợi ích của người lao động và đặc biệt là để nâng cao được tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam trên trường quốc tế khi Việt Nam vẫn phải tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn FDI này cho phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm tới.

Mặc dù liên tục được cải tiến, sửa đổi bổ sung nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các luật về thuế vẫn còn kẽ hở mà người nộp thuế có thể nhắm vào đó để thực hiện các hành vi gian lận thuế. Trong đó phổ biến nhất của gian lận thuế hiện nay là mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa giao dịch; thành lập DN ma để bán hóa đơn sau đó bỏ trốn.

Nhiều DN cũng như cá nhân có thu nhập đã không kê khai các khoản thu nhập không có chứng từ rõ ràng hoặc chỉ mới tạm khấu trừ thuế tại nguồn. Các đơn vị nhập khẩu kê khai giá nhập khẩu thấp hơn giá giao dịch để nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng thấp.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để chống thất thu ngân sách Nhà nước, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương pháp rủi ro. Việc thanh tra, kiểm tra tập trung đối với DN có giao dịch liên kết, DN chuyển giá, DN liên tục báo lỗ...

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM, cơ quan Thuế sẽ chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc rủi ro trọng yếu, các vấn đề nhạy cảm có tính xã hội cao, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, hoạt động đặc thù, có rủi ro cao như chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử, chuyển giá, kinh doanh phi truyền thống...

Nhiệm vụ được đưa ra từ nay đến cuối năm 2021, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo các cục thuế tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực DN ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh nộp thuế khoán; xây dựng và giao chỉ tiêu thu đối với khu vực DN, hộ và cá nhân kinh doanh nhằm định hướng triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối các DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng trũng thuế tại các doanh nghiệp lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO