Vương quốc Phật giáo đã biến mất - Vùng Khotan cổ đại

Mai Nguyễn (Theo Tricycle) 23/03/2022 13:40

Lịch sử nhân loại phần lớn đã quên mất 'viên ngọc quý' Khotan, cái nôi và cây cầu văn hóa của Phật giáo nằm trên nhánh Con đường Tơ lụa.

"Mọi thứ đều thay đổi"

Một trong những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo là "mọi thứ đều thay đổi" - và điều đó thậm chí áp dụng ngay cả cho chính tôn giáo. Ở những nơi mà Phật pháp đã từng hưng thịnh, nó có thể đã biến mất, và ở những nơi rất xa khởi nguồn của Phật giáo, mọi thứ có thể đã bén rễ. Thời gian và địa điểm, lịch sử và địa lý luôn di chuyển.

Đó chính là trường hợp của vương quốc Phật giáo cổ đại Khotan, một vùng đất được cho là hình thành từ sự rút nước của một hồ nước ven núi.

Bản đồ của vương quốc Khotan cổ đại. Ảnh: Tricycle.
Bản đồ của vương quốc Khotan cổ đại. Ảnh: Tricycle.

Khotan là tên gọi của một ốc đảo và thành phố lớn nằm trên Con đường Tơ lụa cổ đại, một mạng lưới thương mại kết nối châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc qua các vùng sa mạc rộng lớn ở Trung Á từ hơn 2.000 năm trước.

Ở phía bắc Khotan là một trong những vùng khí hậu sa mạc khô cằn và hoang vắng nhất trên trái đất, sa mạc Taklamakan, và ở phía nam là dãy núi Côn Lôn (Qurum) phần lớn không có người sinh sống.

Ở phía đông có rất ít ốc đảo bên ngoài Niya, khiến việc đi lại trở nên khó khăn và việc tiếp cận chỉ tương đối dễ dàng từ phía tây. Lãnh thổ của vương quốc ngày nay thuộc vùng đất Tân Cương, Trung Quốc.

Sa mạc rộng lớn bao phủ lòng chảo Tarim phía Trung Á. Ảnh: Thoughtco.
Sa mạc rộng lớn bao phủ lòng chảo Tarim phía Trung Á. Ảnh: Thoughtco.

Theo các ghi chép lịch sử, Khotan từng là một thuộc địa kép, được định cư đầu tiên vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên (TCN) bởi một hoàng tử Ấn Độ, một trong số những người con trai của Đại đế Asoka huyền thoại [304-232 TCN], người đã bị trục xuất khỏi Ấn Độ sau khi Asoka quy y theo Phật.

Khu định cư thứ hai là của một vị vua Trung Quốc lưu vong. Sau một trận chiến, hai thuộc địa đã hợp nhất.

Trong vài thế kỷ trước Công nguyên và trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên (SCN), Khotan là một vương quốc nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.

Tuy phải hứng chịu nhiều làn sóng di cư, xâm lược và thống trị bởi các quốc gia hùng mạnh phía tây và phía đông, nhưng Khotan vẫn luôn tồn tại được nhờ vào nguồn tài nguyên dồi dào từ ngọc bích và sản xuất tơ lụa.

Chân dung Lý Thánh Thiên, vị vua thế kỷ 10 của Khotan. Ảnh: Wiki.
Chân dung Lý Thánh Thiên, vị vua thế kỷ 10 của Khotan. Ảnh: Wiki.

Nhưng trên hết, vị trí địa lý vẫn là yếu tố quan trọng nhất của vương quốc - một ốc đảo nằm trên tuyến đường thương mại lớn nhất khu vực lúc bấy giờ. Một vương quốc nhỏ bé và không mấy hùng mạnh đã trở thành tiền đồn của nền văn hóa Ấn Độ trong hoặc ngay sau thời điểm Đại đế Asoka trị vì.

Vương quốc đã phát triển rực rỡ, có lẽ là tại thời Phật giáo tiền Đại thừa vào thế kỷ thứ nhất TCN; được kết nối với vương quốc cổ đại Gandhara và Kashmir ở phía tây bắc của Ấn Độ.

Khotan cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Trong các thế kỷ thứ ba và thứ năm TCN, cuốn "Trí tuệ Bát nhã" và cuốn "Kinh Hoa Nghiêm" lần đầu tiên được dịch sang tiếng Trung Quốc từ các bản văn cổ được tìm thấy ở Khotan.

Con gái của Vua Khotan kết hôn với người cai trị Đôn Hoàng, Cao Yanlu, đội chiếc mũ nạm ngọc bích tinh xảo. Ảnh: Wiki.
Con gái của Vua Khotan kết hôn với người cai trị Đôn Hoàng, Cao Yanlu, đội chiếc mũ nạm ngọc bích tinh xảo. Ảnh: Wiki.

Vương quốc được khai sinh

Những câu chuyện thần thoại về sự ra đời của vương quốc xoay quanh sự cạn dần của một hồ nước theo lệnh của đức Phật Thích Ca. Nơi đây được xem là một vùng đất được các vị Phật trong quá khứ đặt trên bản đồ và ban phước.

Một trong hai bộ kinh lưu giữ câu chuyện về sự ra đời trong truyền thuyết của vùng đất chính là cuốn "Lời tiên tri trên Núi Goshringa". Cuốn kinh đã kể lại hình ảnh đức Phật bay đến vùng đất Khotan cùng một đoàn tùy tùng lớn, ban phước lành cho những sinh vật sống trong hồ nước.

Đầu của Đức Phật được tìm thấy ở Khotan khoảng thế kỷ 3-4. Ảnh: Wiki.
Đầu của đức Phật được tìm thấy ở Khotan khoảng thế kỷ 3-4. Ảnh: Wiki.

Ngài còn ban tặng thêm những ngọn núi thiêng, các bảo tháp cùng nhiều địa điểm; giảng dạy ở đó và đưa ra những lời tiên tri về tầm quan trọng trong tương lai của Khotan như một vùng đất duy trì và bảo tồn giáo pháp.

Ở cuối bài kinh, đức Phật đã yêu cầu đệ tử Shariputra và Thánh vương Vaishravana triển khai sức mạnh siêu nhiên và rút nước hồ lớn thành một dòng sông.

Họ cắt một ngọn núi thành hai mảnh lớn và di chuyển chúng ra khỏi con đường để hồ nước có thể thoát vào con sông Gyisho gần đó. Tuy nhiên, không một ai chắc chắn hồ thần thoại có thể đã từng ở đâu.

Con đường Tơ lụa nổi tiếng. Ảnh: Thoughtco.
Con đường Tơ lụa nổi tiếng. Ảnh: Thoughtco.

Trong một cuốn kinh khác - "Những câu hỏi của Vimalaprabha", câu chuyện về sự ra đời của Khotan lại hoàn toàn khác biệt. Khi đức Phật dự đoán được sự trỗi dậy của Khotan như một vương quốc tôn giáo trong thế kỷ sau khi Ngài nhập niết bàn, đức Phật đã ra lệnh cho các vị thần và bồ tát bảo vệ cư dân tại vùng đất.

Đoạn cuối cuốn kinh, đức Phật đã biến mất khỏi đỉnh núi Linh Thứu và trở lại thiền định ở Khotan, cùng với các vị bồ tát ngồi trên đài hoa sen trôi trong hồ nước lớn, nơi các bảo tháp và tu viện của vùng đất tương lai sẽ xuất hiện khi hồ cạn nước.

Thời kỳ hoàng kim

Mặt hàng xuất khẩu của vương quốc Khotan chủ yếu là ngọc bích, và những viên ngọc Khotan màu xanh lục bắt đầu được nhập khẩu cách đây ít nhất 1.200 năm TCN.

Đến thời nhà Hán (206 TCN - 220 SCN), hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc qua Khotan chủ yếu là lụa, sơn mài và vàng thỏi, và được đổi lấy ngọc bích từ Trung Á; vải lụa và các loại hàng dệt khác bao gồm len và vải lanh từ đế chế La Mã; thủy tinh, rượu nho, nước hoa và nô lệ từ Rome.

Thậm chí còn có các động vật quý hiếm như sư tử, đà điểu và ngựa vằn, bao gồm cả những con ngựa nổi tiếng của vùng Đại Uyển Ferghana.

Một con dấu Ngọc Lục bảo Khotan của Hoàng gia từ thời nhà Thanh, thời Càn Long.  Ảnh: Greelane.
Một con dấu Ngọc Lục bảo Khotan của Hoàng gia từ thời nhà Thanh, thời Càn Long. Ảnh: Greelane.

Trong triều đại nhà Đường (618-907), các mặt hàng thương mại chính di chuyển qua vương quốc Khotan là hàng dệt, bao gồm lụa, bông và lanh; kim loại, hương và các chất thơm khác, lông thú, động vật, đồ gốm và khoáng sản quý.

Khoáng sản thường bao gồm lapis lazuli (ngọc lưu ly) từ Badakshan, Afghanistan; mã não từ Ấn Độ; san hô từ bờ biển Ấn Độ và ngọc trai từ Sri Lanka.

Những bức tượng nhỏ bằng đất sét được tìm thấy ở Khotan từ khoảng thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4. Ảnh: Wiki.
Những bức tượng nhỏ bằng đất sét được tìm thấy ở Khotan từ khoảng thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4. Ảnh: Wiki.

Một vương quốc "bị lãng quên"

Những phiên bản khác nhau của câu chuyện thần thoại về sự khai sinh ra vương quốc Khotan đều có điểm chung với một vùng đất miền núi khác, Thung lũng Kathmandu, cũng được cho là hình thành do sự rút cạn của một hồ nước.

Cả hai vùng đất đều là những địa điểm liên quan đến bảy vị phật kế tiếp nhau. Một nhóm người đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, họ được cho là những người định cư ban đầu ở cả hai thung lũng mới được tạo ra, và những người Ấn Độ đầu tiên định cư đều có sự kết nối với các vị vua Ấn Độ.

Trong các câu chuyện của vương quốc Khotan, người con trai lưu vong của Đại đế Asoka là Kunala cũng từng được Hoàng đế Trung Quốc nhận làm con nuôi trước khi trở thành người trị vì sáng lập Khotan.

Tàn tích của Bảo tháp Rawak bên ngoài Khotan, một địa điểm Phật giáo có niên đại từ cuối thế kỷ 3 đến thế kỷ 5 sau Công nguyên. Ảnh: Wiki.
Tàn tích của Bảo tháp Rawak bên ngoài Khotan, một địa điểm Phật giáo có niên đại từ cuối thế kỷ 3 đến thế kỷ 5. Ảnh: Wiki.

Mặc dù có sự trùng lặp giữa những câu chuyện thần thoại, nhưng số phận của hai vùng đất lại đối lập hoàn toàn. Đạo pháp đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ ở Thung lũng Kathmandu, bất chấp việc Nepal gặp phải nhiều vấn đề.

Nhưng ở Khotan thì không. Trên thực tế, lịch sử phần lớn đã quên mất "viên ngọc quý" của một vương quốc đã từng quan trọng đến như thế nào.

Đến thế kỷ thứ 12, quá khứ huy hoàng về Phật giáo của Khotan chỉ còn lại rất ít. Sức mạnh của Trung Quốc đã bị suy yếu dần. Tầm vóc đế quốc của Tây Tạng đã sụp đổ từ lâu. Con đường Tơ lụa đã giảm đi tầm quan trọng vốn có. Làn sóng ảnh hưởng từ người Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cuối cùng đã kéo theo làn sóng đạo Hồi tràn qua khu vực.

Bức tranh trên gỗ được Aurel Stein phát hiện ở thị trấn Dandan Oilik, mô tả truyền thuyết về nàng công chúa giấu trứng tằm trong chiếc mũ đội đầu của mình để buôn lậu từ Trung Quốc đến Vương quốc Khotan. Ảnh: Wiki.
Bức tranh trên gỗ được Aurel Stein phát hiện ở thị trấn Dandan Oilik, mô tả truyền thuyết về nàng công chúa giấu trứng tằm trong chiếc mũ đội đầu của mình để buôn lậu từ Trung Quốc đến Vương quốc Khotan. Ảnh: Wiki.

Quyền lực của người Mông Cổ ngày càng tăng. Nhiều học giả và nhà sử học ở Tây Tạng dường như đã không hề hay biết về sự đóng góp của vương quốc Khotan đối với nền văn hóa của họ vài thế kỷ trước đó.

Câu chuyện thần thoại về sự sáng lập của vùng đất Khotan gắn kết với cách đức Phật tạo ra những cơ hội mới trong cả thời gian và không gian để giáo pháp được truyền bá, giảng dạy và thực hành, nhưng đây cũng là một phần của chặng đường văn học Phật giáo đề cập đến sự suy tàn không thể tránh khỏi của giáo pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vương quốc Phật giáo đã biến mất - Vùng Khotan cổ đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO