Vượt sóng Covid

Thúy Hằng 26/09/2020 07:45

Tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã “tỉnh dậy” sau một thời gian dài “ngủ đông” vì dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu tái khởi động trong những tháng cuối năm. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã kiên cường chống chọi, tìm mọi cơ hội để hồi sinh…

Doanh nghiệp nỗ lực khôi phục lại sản xuất sau đại dịch.

Có thể thấy những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới đó là không có đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giảm sút trong khi vẫn phải đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chưa kể những DN phải trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi, trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng. Trong khi đó năng suất lao động và năng lực cạnh tranh tại DN Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới.

Thách thức phía trước

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với Đại Đoàn Kết, nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa không thể tránh khỏi tình trạng khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Trong điều kiện bình thường, thì DN có thể tự thân vận động nhưng trước biến cố đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu, doanh nghiệp cần phải liên kết cùng nhau.

Bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam thẳng thắn nói: “Thời gian qua phản ứng đầu tiên của các lãnh đạo DN là ngay lập tức quản trị và quản lý nguồn lực đang có, để giảm thiểu tác động của đại dịch và tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thay vì cắt giảm nhân sự, DN có thể thay đổi phương thức hoạt động. Ví dụ, một số DN trong lĩnh vực khách sạn vẫn duy trì số lượng nhân viên vận hành, nhưng sắp xếp và bố trí giờ làm một cách hợp lý để đảm bảo toàn bộ nhân viên vẫn có nguồn thu nhập dù eo hẹp, và để chuẩn bị cho sự quay trở lại mạnh mẽ trong tương lai”.

Quan điểm giới chuyên gia đưa ra cũng khẳng định rằng, các DN hầu như chưa từng trải qua cuộc khủng hoảng cả về y tế và kinh tế tương tự như đại dịch Covid-19 lần này. Do vậy, bà Hà Thu Thanh nói, đối với nhóm các DN chưa thực sự sẵn sàng để vượt qua khủng hoảng có thể phát triển theo chiến lược “Cần vượt sóng” (nhóm ảnh hưởng thấp), “Vẫn trôi nổi” (nhóm ảnh hưởng cao), hoặc lên “Kế hoạch cho tái sinh” (nhóm ảnh hưởng trung bình);

Nhóm thứ hai là các DN có độ sẵn sàng ở mức trung bình, có thể lựa chọn chiến lược “Tăng cường vị trí dẫn đầu”, “Phá vỡ ranh giới truyền thống”, hay “Tăng tốc thay đổi”. Cuối cùng là nhóm DN tận dụng được khủng hoảng như cơ hội để đổi mới cần nhanh chóng thay đổi để phát triển.

Sau khi lựa chọn được chiến lược phù hợp, lãnh đạo các DN sẽ cần lựa chọn các giải pháp kiến thiết, từ chiến lược đến tài chính, mô hình kinh doanh, và công nghệ tùy thuộc vào nguồn lực và ưu tiên của từng DN, để có thể đưa chiến lược đi vào thực tiễn. Anh Trần Anh Tú, chủ DN cung ứng nguyên vật liệu cho các hãng dược nói, trong khó khăn mới nhìn thấy sự lỏng lẻo, thiếu kết nối trong chính hệ thống hàng hoá của mình. Do vậy, DN phải thường xuyên làm việc với các đối tác là để ổn định đầu vào, lẫn đầu ra.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt lên trong khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Dũng cảm vượt khó

Thực tế cho thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn kiên cường chống chọi, tìm mọi cơ hội để hồi sinh. Với phương châm vừa sản xuất, vừa chống dịch, ngành thủy sản cũng đang phấn đấu không sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, bù vào phần xuất khẩu cá tra sụt giảm.

Cũng từ thời điểm tháng 5, theo đại diện VASEP, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang phục hồi nhanh trong đại dịch Covid-19 do niềm tin của các nhà đầu tư, nhập khẩu, bán lẻ, gia tăng đáng kể thời gian qua. DN và người dân tin tưởng Chính phủ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên thả nuôi các loại thủy sản ngay trong thời gian có dịch nhằm đón bắt cơ hội tốt hơn. Đáng chú ý là trong khi các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác còn đang mắc kẹt vì Covid-19 thì Việt Nam đã bắt đầu phục hồi sản xuất.

Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), các DN xuất khẩu nông sản cũng ngay lập tức bật dậy. Những lô trái cây, gạo thơm đầu tiên của Việt Nam đã sang châu Âu, đến với thị trường gần 500 triệu dân. Tiếp đó, trong lĩnh vực hàng không, khao khát mở cửa trở lại bầu trời đã khiến các hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo bừng tỉnh khi một số tuyến hàng không thương mại được khôi phục. Ngày 25/9, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Seoul (Hàn Quốc) đã về Hà Nội. Chuyến bay do Vietnam Airline thực hiện, mở đầu cho sự “hồi sinh” trong điều kiện bình thường mới.

Cùng đó, du lịch Việt Nam cũng đã vào bước chạy đà với nhiều kế hoạch được giới chuyên gia ví như “tham vọng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đe dọa nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, các DN du lịch không chấp nhận cảnh hắt hiu khi khách nước ngoài chưa thể quay lại Việt Nam, mà đã nhanh chóng quay về với thị trường nội địa, bằng những gói hỗ trợ cụ thể, thiết thực với người trong nước. Trong số các vùng du lịch trọng điểm, thì tới thời điểm này, Ninh Bình là một điểm sáng khi khu du lịch Tràng An đưa ra nhiều gói kích cầu, được người dân khắp nơi hưởng ứng.

Tất nhiên khi dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, thì không thể “bung ra” một cách thật mạnh mẽ. Nhưng những gì các DN Việt thể hiện cho thấy họ đã dũng cảm để vượt sóng Covid-19, một hình ảnh ví von rất đẹp từ giới chuyên gia kinh tế.

Quý I, có tới 74% DN châu Âu tại Việt Nam dự kiến tình hình kinh doanh quý II sẽ tiêu cực, nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 51% DN cho biết hiệu suất kinh doanh của họ là tiêu cực trong quý vừa qua. Những dấu hiệu trên báo hiệu sự cải thiện và các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Bất chấp những biến động của đại dịch toàn cầu, kết quả khảo sát BCII cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp phản ứng nhanh chóng và hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, giữ cho con tàu của Việt Nam ổn định trước cơn bão Covid-19”- ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt sóng Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO