WHA thông qua Nghị quyết về Covid-19

Khánh Duy 21/05/2020 01:00

Với sự ủng hộ áp đảo, Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) tối ngày 19/5 đã thông qua một nghị quyết nhằm chống đại dịch Covid-19 và đảm bảo người dân trên toàn thế giới tiếp cận với chủng vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 trong tương lai.

WHA thông qua Nghị quyết về Covid-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros ADhanom Ghebreyesus tại Hội nghị WHA.

Nghị quyết về Covid-19

Văn bản cuối cùng của Nghị quyết cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra nhằm vào hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Trước đó, yêu cầu điều tra WHO đã được đưa ra trong một bức thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đó ra điều kiện WHO phải “cải cách thực chất” trong vòng 30 ngày tới bằng không Mỹ sẽ ngừng tài trợ vĩnh viễn cho cơ quan này.

Bức thư trên, được ông Trump công bố hôm 19/5 trên tài khoản Twitter cá nhân, đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ không chỉ đối với WHO mà còn với cá nhân ông Tedros. Tuy nhiên, ông Tedros tỏ ra không nao núng khi tuyên bố rằng ông và WHO nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo toàn cầu cùng các nước thành viên trong 2 ngày vừa qua.

“Chúng tôi hoan nghênh mọi sáng kiến nhằm củng cố an ninh y tế toàn cầu và WHO...Tôi đã nhận được nguồn cảm hứng từ việc Nghị quyết trên được ủng hộ rộng rãi cũng như lời kêu gọi đánh giá độc lập và toàn diện cách ứng phó dịch của quốc tế” - ông Tedros nói, nhấn mạnh rằng việc đánh giá cách chống dịch “không chỉ dừng lại ở WHO mà bao gồm cả các nước thành viên”.

Vào cuối phiên họp trực tuyến của WHA, nhiều lãnh đạo thế giới bao gồm bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Colombia Ivan Duque Marquez đều nêu bật sự cần thiết phải hợp tác đa phương và tầm quan trọng của bức tranh y tế toàn cầu.

“Tôi kêu gọi WHO và tất cả các nước thành viên đối diện với Covid-19 theo hướng hợp tác quốc tế nhiều hơn nhằm bảo vệ những người yếu thế nhất” - ông Marquez nói.

“Hợp tác quốc tế là thách thức cấp bách nhất của chúng ta” - bà von der Leyen nói - “giờ là lúc để hành động. Chúng ta cần chiến đấu và đánh bại virus corona ở mọi lục địa...chúng ta cần có cách tiếp cận đa phương”.

Chủ tịch EC chỉ ra rằng Sáng kiến tiếp cận công cụ chống Covid-19 mà EU khởi xướng là một bước khởi đầu quan trọng và đúng hướng. Trước đó, hồi đầu tháng, sáng kiến này đã nhận được nguồn vốn 7,5 tỷ euro để tăng tốc phát triển và cải thiện quyền tiếp cận với các công nghệ y tế chống Covid-19.

Lời kêu gọi của bà cũng được hưởng ứng bởi Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez: “Cách phản ứng duy nhất với Covid-19 chính là hợp tác đa phương. Đại dịch này đã cho thấy điểm yếu của chúng ta. Và giờ là lúc để làm mới cam kết mạnh mẽ của chúng ta đối với WHO”.

Một số quốc gia thành viên khác bao gồm Hàn Quốc, Đức, Pháp và Hà Lan trước đó đề nghị rằng các nước thành viên WHO cần phải trao thêm quyền thực thi cho Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) - quy định cách ứng phó y tế khẩn cấp.

Trung Quốc tài trợ 2 tỷ USD

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc ủng hộ ý tưởng tiến hành đánh giá toàn diện về cách phản ứng của toàn cầu với đại dịch Covid-19, nhưng cho biết thêm rằng nước này chỉ đồng ý đánh giá sau khi đã kiểm soát được dịch và việc đánh giá nên “dựa trên khoa học và sự chuyên nghiệp do WHO lãnh đạo và phải được tiến hành một cách khách quan, vô tư”.

Trong hội nghị kéo dài trong 2 ngày 18 và 19/5, giới quan sát chỉ ra những tín hiệu đáng chú ý. Một trong số đó là việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ góp 2 tỷ USD hỗ trợ công tác ứng phó dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế tại các nước đang phát triển trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị.

Theo ông Tập, khoản tiền này sẽ được đóng góp trong vòng 2 năm. Năm ngoái Trung Quốc đóng góp khoảng 86 triệu USD cho WHO. Chủ tịch Trung Quốc cho biết trong những tuần gần đây nước này cũng đã gửi trang thiết bị y tế tới hơn 50 nước châu Phi và 46 nhóm nhân viên y tế của Trung Quốc hiện đang có mặt tại châu lục này để hỗ trợ các chính quyền sở tại.

Theo báo New York Times, khoản cam kết đóng góp thêm 2 tỷ USD của Trung Quốc nhiều gấp 2 lần số tiền Mỹ đã chi cho WHO trước khi ông Trump tuyên bố tạm dừng cấp ngân sách cho cơ quan này, và có thể đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu trong chiến dịch chống COVID-19 toàn thế giới.

Tuy nhiên, giới quan sát có những nhận định trái chiều về khoản đóng góp này. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Ullyot cho rằng khoản đóng góp Trung Quốc vừa công bố “là bằng chứng nhằm phân tán khỏi những kiến nghị của ngày càng nhiều nước yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc không thực hiện các cam kết của họ”.

Mỹ phản đối một số điều khoản

Mặc dù Nghị quyết do EU soạn thảo đáp ứng đề nghị của phía Mỹ trong việc mở cuộc điều tra nhằm vào hoạt động của WHO trong chống dịch Covid-19 cùng việc điều tra làm rõ nguồn gốc của virus corona, thế nhưng Mỹ lại thoái lui khỏi một số điều khoản trong Nghị quyết này.

“Mỹ công nhận tầm quan trọng của việc tiếp cần những sản phẩm y tế hữu hiệu, an toàn, chất lượng cao và vai trò của tài sản trí tuệ trong việc phát triển các sản phẩm y tế mới (chống Covid-19). Tuy nhiên, các điều khoản 4, 8.2 và 9.8 đã gửi đi thông điệp sai lầm tới những nhà cách tân, mà chính họ là người sẽ đưa ra những giải pháp mà thế giới cần” - tuyên bố của Mỹ nêu rõ.

Mặc dù điều này đã được dự đoán từ trước, nhưng tuyên bố của Mỹ còn phản đối một số điều khoản cốt lõi của Nghị quyết - một sáng kiến nhằm chia sẻ những công nghệ y tế. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo ở các nước đã và đang phát triển.

Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả Tổ chức Bác sĩ không biên giới, đồng loạt ủng hộ nghị quyết của EU. Một số khác nói rằng các sáng kiến y tế nhằm chống dịch Covid-19 không nên bị hạn chế bởi sự độc quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    WHA thông qua Nghị quyết về Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO