Đào tạo ngành du lịch: Sẽ có cơ chế đặc thù

Bảo Thoa 01/11/2017 08:30

Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo các ngành về du lịch (gọi chung là cơ sở đào tạo) khẩn trương triển khai xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học. Đây là giải pháp nhằm sớm khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch hiện nay.

Chú trọng đào tạo hướng dẫn viên du lịch.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Để du lịch phát triển, bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng khác, thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) chuyên nghiệp có vai trò hết sức quan trọng.

Hiện lực lượng HDV còn thiếu và yếu, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực” do Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) tổ chức cách đây ít lâu, các chuyên gia bày tỏ, HDV du lịch không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu.

Cụ thể, trong số 9.920 HDV quốc tế thì HDV nói tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Hoa có 1.586 người, tiếng Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Nhật có 512 người...

Tình trạng này dẫn đến sự xuất hiện các HDV “chui”, trong đó có một số người nước ngoài lâu năm ở Việt Nam, thông thạo dịch vụ, đã tự tổ chức tour, hướng dẫn khách.

Các chuyên gia cho rằng, điều này dễ khiến nội dung thông tin bị truyền tải sai lệch, khó kiểm soát. Điển hình như tình trạng HDV người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về lịch sử văn hóa, chủ quyền của Việt Nam tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung đang gây nhiều bức xúc trong dư luận những ngày gần đây.

Phản hồi từ du khách cũng cho thấy, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ du lịch nói chung và HDV du lịch nói riêng hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề chưa thuần thục, kỹ năng ngoại ngữ còn hạn chế.

Nguyên nhân do phần lớn nguồn nhân lực du lịch chỉ qua các khóa học “cấp tốc” hoặc ngắn hạn nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp.

Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang.

Hiện Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Theo thống kê, nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động của ngành.

TS Nguyễn Hữu Thọ- chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Quy hoạch, xây dựng trường thì rất nhiều, nhưng thực tế ta chưa có nơi nào thực sự đào tạo có uy tín để cung cấp nhân lực cho ngành du lịch…

Sớm xây dựng đề án

Theo tinh thần công văn mới (số 4929 /BGDĐT-GDĐH vừa được Bộ GD&ĐT công bố), các cơ sở đào tạo về du lịch sẽ được linh hoạt trong đào tạo, tự quyết định chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội, được khuyến khích đào tạo văn bằng hai, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau; sẽ được hưởng cơ chế, chính sách ưu tiên ở nhiều phương diện, từ hình thức đào tạo đến quy mô tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, đội ngũ nhân sự…

Trên cơ sở tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, phân tích mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành du lịch, các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động ngành du lịch.

Về nội dung đào tạo, các trường phải tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, trường phải hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.

Trường cũng phải thống kê tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp các ngành du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của mình.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trường đại học của các nước phát triển để đào tạo các ngành du lịch.

Để được hưởng các chính sách, cơ chế đặc thù nêu trên, các cơ sở đào tạo ngành du lịch áp dụng phải xây dựng Đề án đào tạo nhân lực du lịch (giai đoạn 2017-2020), đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và gửi Đề án về Bộ GD&ĐT.

Sau 3 năm triển khai Đề án, các cơ sở đào tạo ngành du lịch đánh giá kết quả thực hiện cơ chế đặc thù, báo cáo và đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh các quy định.

Hiện nay, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang thiếu hụt lực lượng lao động trình độ cao để có thể bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Theo nhiều chuyên gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không cứ ở lĩnh vực du lịch- cần bắt đầu từ việc đổi mới giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo ngành du lịch: Sẽ có cơ chế đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO