Điều dưỡng viên Việt Nam được đánh giá cao ở nước ngoài

Lan Hương 27/09/2016 10:20

Đây là đánh giá, nhận định của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chương trình hợp tác đưa điều dưỡng viên và hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản ngày 26/9 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Điều dưỡng viên Việt Nam.

Những tín hiệu khả quan

Việc đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở nước ngoài đã được Việt Nam tiến hành nhiều năm. Tuy nhiên ngày 25/12/2008, hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (VJEPA), trong đó có thỏa thuận về đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Triển khai Hiệp định VJEPA, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trường Nhật ngữ Arc Academy tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 4 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 720 ứng viên.

Trong đó có 470 ứng viên các khóa 1, 2, 3 đã được đưa sang làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Trong hai đợt thi lấy chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản năm 2015 và 2016, tỉ lệ thi đỗ của ứng viên điều dưỡng Việt Nam đều đạt trên 40%.

Đánh giá về chất lượng của ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, ứng cử viên điều dưỡng Việt Nam đã được phía các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao.

“Nhu cầu tuyển dụng lớn gấp hơn 3 lần so với số ứng viên được đào tạo như trên không chỉ thể hiện Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở mức cao mà con số này thể hiện các ứng viên của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp với người Nhật” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Thị trường nhiều triển vọng

470 ứng viên đã sang làm việc tại Nhật trong 3 năm, con số này chưa nhiều, song có thể nói đây là bước khởi đầu đầy triển vọng để Việt Nam tiến tới xuất khẩu lao động chất lượng cao. Hiện nay nhu cầu của Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý ngày càng cao thể hiện qua việc dân số Nhật Bản già hóa. Được biết hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang xem xét mở rộng ngành nghề hộ lý đối với cả đối tượng thực tập sinh kỹ năng.

Ông Momoi Ryusuke – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam cũng cho biết, phản hồi của các cơ sở tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam khá tốt, đặc biệt đánh giá cao tính chuyên cần của ứng viên trong công việc; nhiệt tình hăng hái hỗ trợ các cụ già trong cơ sở dưỡng lão và hòa nhập với văn hóa và đồng nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, Bộ LĐTB&XH cũng chính thức thông báo tuyển sinh chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 5 năm 2016 với chỉ tiêu 240 người. Theo đó để được đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng các điều kiện sau: Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật, miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức.

Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ được tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Thời gian nhận hồ sơ dự thi khóa 5 từ ngày 3/10 đến ngày 23/10.

Thời gian và địa điểm thi tuyển sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ứng cử viên kiểm tra danh sách được tham gia thi tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều dưỡng viên Việt Nam được đánh giá cao ở nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO