Đồng bằng sông Cửu Long: Cần có giải pháp bền vững với biến đổi khí hậu

Quốc Trung 26/09/2017 09:15

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Toàn vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, trong đó đáng kể nhất là đóng góp đến 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên những năm gần đây, biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, tần suất mưa và khô hạn bất thường diễn ra đều khắp ở các tỉnh phía Nam đang đe doạ tới mảnh đất trù phú này.

Theo những kịch bản nước biển dâng và kết quả phân bố xâm nhập mặn tương ứng đến cuối thể kỷ này, nếu mực nước dâng lên 100cm, sẽ gây ngập phần lớn diện tích của các tỉnh ở ĐBSCL như Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%), Cà Mau (57,69%)… Nước mặn có thể xâm nhập sâu trên sông Hậu 15 km; trên sông Tiền khoảng 6km. Khi xét đến lún nền, mặn tại biển Đông có thể xâm nhập sâu thêm từ 3-16 km trên các sông chính.

Có nhiều ý kiến của các chuyên gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong đó nhấn mạnh tới 2 giải pháp chính là phi công trình và công trình.

GS. TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam cho biết: Hiện nay, chúng ta thiên về giải pháp công trình để hạn chế hơn là chấp nhận nó, cái này cần phải điều chỉnh. Mặn cũng là một lợi thế, chứ đâu phải có tác hại. Nếu chỉ trồng lúa thì tác hại thật nhưng ta tiếp cận theo cách khác thì chẳng phải hại. Cần phải kiểm soát được nó, mà kiểm soát mức độ chứ không phải bằng mọi giá. Xu hướng bây giờ là phải thích ứng và giảm thiểu, thiên nhiên không thể chống được.

Chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cũng kiến nghị: Nên hạn chế các biện pháp công trình lớn như đắp cửa sông và ngọt hóa, vừa kém hiệu quả, vừa đảo lộn điều kiện tự nhiên, không thể cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được. Tác động lớn nhất của các công trình ngăn sông, ngăn mặn ở ĐBSCL là làm mất chế độ thủy triều, tạo thành vùng nước tù ô nhiễm, mất sự trao đổi sinh thái với biển, ảnh hưởng sinh thái nội địa và sinh thái biển.

Nên chuyển hướng chiến lược sang nông nghiệp bền vững, chú trọng giá trị hơn số lượng để phục hồi đất đai, nguồn nước và sức chống chịu của đồng bằng. Cần xem xét lại khái niệm và chiến lược an ninh lương thực.

Đối với tình trạng sụt lún và sạt lở đang đe doạ nghiêm trọng vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: Sụt lún, là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với nước biển dâng và không thể giải quyết bằng biện pháp công trình. Con đường duy nhất để cứu ĐBSCL là phải giảm sử dụng nước ngầm. Cụ thể, đối với vùng ven biển sử dụng công nghệ (Nano, RO...). Với vùng nội địa, giảm ô nhiễm nước mặt (công nghiệp, nông nghiệp thâm canh).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Cần có giải pháp bền vững với biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO