Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Quốc Trung 01/11/2017 18:15

Vùng áp thấp nhiệt đới bắt đầu từ ngày 30/10 đã có những diễn biến mới mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên toàn khu vực Nam Biển Đông. Vùng ven biển các tỉnh Nam Bộ cũng được cảnh báo nếu cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5 m nếu mưa nhiều.


Thuyền bè neo đậu an toàn tại Đảo Phú Quốc, huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Ảnh Hồng Lĩnh.

Để giảm thiểu sự thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, hiện nay, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực ven biển vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều biện pháp, chủ động đối phó quyết liệt với áp thấp nhiệt đới.

Ghi nhận của phóng viên ở Cà Mau, hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 4.500 phương tiện đăng ký khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Tập trung nhiều tại các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, U Minh,...Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo các huyện và thành phố cùng các sở ngành có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của ấp thấp nhiệt đới, thường xuyên thông tin để người dân nắm bắt kịp thời, ứng phó hiệu quả. Đặc biệt là phương án di dời dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Vị trí trung tâm Áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau, có sức mạnh nhất ở vùng gần trung tâm từ cấp 6 - 7, giật cấp 9. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa rải rác trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi có nơi mưa to. Thời tiết trên vùng biển và trên đất liền trong những ngày tới còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cà Mau đề nghị các huyện, thành phố, đặc biệt, vùng ven biển tăng cường công tác thông tin về tình hình áp thấp nhiệt đới, nâng cao nhận thức và tăng tính chủ động trong toàn dân trong ứng phó, tránh trú.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau thông tin: Hiện tỉnh đã cấm không cho tàu ra khơi, đối với tàu đang hoạt động trên biển, nếu gần bờ thì kêu gọi vào đất liền. Nếu xa bờ thì cung cấp thông tin để tàu chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn. Về vấn đề sơ tán dân, đã có những vị trí di dời, tỉnh cũng đã giao cho các huyện chủ động. Riêng đối với học sinh, tùy theo tình hình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. Ưu tiên trước hết cho học sinh mẫu giáo và tiểu học.

Ở tỉnh ven biển như Trà Vinh, từ ngày 1 đến chiều ngày 2/11 khu vực ven biển mưa liên tục và có giông. Theo nhận định của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, nếu có bão thì các xã Long Hòa, Hòa Minh, thuộc huyện Châu Thành và các cù lao trên sông Cổ Chiên sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, tỉnh Trà Vinh đã đề ra phương án cụ thể, bố trí vật tư, phương tiện và lực lượng túc trực 24/24 và sẵn sàng di dời dân vào công trình kiên cố như trường học, UBND xã khi cần thiết. Tuy nhiên, để tránh việc xáo trộn đời sống của người dân, địa phương đã triển khai phương án “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để ứng phó với áp thấp nhiệt đới.


Hơn 330 phương tiện với gần 3.000 ngư dân, ngư phủ vào trú ẩn nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, chủ tịch UBND xã Hòa Minh huyện Châu Thành, Trà Vinh thông tin với báo chí: “Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa lớn liên tục. Nhằm chủ động ứng phó, xã đã thông báo cho tất cả tàu thuyền hoạt động ngoài khơi, cho bà con chằng chéo lại nhà cửa, tăng cường bảo vệ các vuông tôm; thứ hai kiểm tra lại các phương tiện vật tư vì ở cù lao công tác ưng phó cũng rất khó khăn, đồng thời nắm danh sách trẻ em và người già nếu tình hình trở xấu thì ưu tiên di chuyển trước”.

Các tỉnh cũng nằm ven biển như Trà Vinh là tỉnh Tiền Giang và Bến Tre liên tục xảy ra nhiều cơn mưa kéo dài dọc ven biển.

Tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 1.300 phương tiện hành nghề khai thác biển với gần 9.500 ngư dân, ngư phủ. Trong đó có hơn 1 ngàn phương tiện hoạt động xa bờ với khoảng 8400 người, tập trung ở vùng biển Đông Nam bộ, Trường Sa... Chủ động tránh áp thấp nhiệt đới, đến chiều nay 31/10 đã có hơn 330 phương tiện với gần 3.000 ngư dân, ngư phủ vào trú ẩn nơi an toàn. Hiện còn hơn 1.000 phương tiện với khoảng 6.000 người đang hoạt động trên biển. Đa số các phương tiện này nằm trong khu vực không nguy hiểm; 100% đều liên lạc được với đất liền và nhận biết thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh khu vực ĐBSCL hiện đã có phương án, chủ động ứng phó với ác tình huống xảy ra, nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại cho người dân sống dọc ven biển…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO