Du lịch dịp nghỉ lễ: Chưa hết nạn 'chặt chém'

04/05/2016 08:35

Đợt nghỉ lễ dài 4 ngày vừa qua là cơ hội để người dân đi du lịch, nghỉ ngơi. Theo khảo sát của phóng viên Đại Đoàn Kết, nhiều bãi biển, khu du lịch… lượng khách tăng đột biến. Sự quá tải về hạ tầng, lượng du khách tăng cao đã khiến nhiều nơi xảy ra nạn “chặt chém”, nhiều cơ sở du lịch tự ý tăng giá dịch vụ, giá phòng nghỉ cũng như đồ ăn, uống. 

Du lịch dịp nghỉ lễ: Chưa hết nạn 'chặt chém'

Lượng du khách đông bất thường tại khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa).

Khách du lịch tăng đột biến

Đúng như dự đoán của những nhà làm du lịch, dịp nghỉ lễ vừa qua lượng du khách tăng đột biến. Tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), lượng khách tăng kỷ lục. Tuy thế, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra tình trạng “chặt chém”, ép giá du khách như nhiều năm về trước, đặc biệt là trên khuôn viên các bãi tắm hầu như không còn tình trạng du khách xả rác bừa bãi…

Gặp chúng tôi khi đang cùng gia đình hòa vào dòng người lên vãn cảnh chùa Độc Cước, ông Nguyễn Đình Thành- một du khách đến từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc vui vẻ cho biết, đây là lần thứ 2, sau 4 năm ông cùng gia đình đến Sầm Sơn nghỉ dài ngày. Ông Thành nói rằng, trước đây đi Sầm Sơn bị nạn chèo kéo, chặt chém nhiều quá nên gia đình ông đã quyết định không quay lại Sầm Sơn nữa. Tuy nhiên, do năm nay e ngại trước thông tin cá chết ở biển Miền Trung nên gia đình ông Thành lại chọn Sầm Sơn là điểm đến. “Và thật là ngạc nhiên, so với các năm trước, diện mạo của Sầm Sơn đã thay đổi rất nhiều, khang trang hơn, sạch sẽ hơn và đặc biệt không còn bị phiền bởi tình trạng chéo kéo và ép giá”- ông Thành chia sẻ.

Tương tự tại bãi tắm của Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Trong suốt 4 ngày nghĩ lễ có hàng vạn du khách về đây tắm biển, vui chơi. Đây là lần đầu tiên biển Hải Tiến đón một lượng du khách lớn như vậy. Do lượng du khách đông bất thường, nên các dịch vụ tại đây đã không đáp ứng đủ cho nhu cầu của khách. Bãi biển chật như nêm, nhiều du khách phải trải bạt hoặc ngồi xuống bãi cát để nghỉ ngơi, uống nước, ăn hải sản sau khi tắm biển.

Khác với Sầm Sơn, do công tác chuẩn bị không tốt, không dự báo được lượng khách tăng lớn đến vậy, cộng với ý thức bảo vệ môi trường của du khách còn kém, nên đã xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, khiến bãi tắm ngập ngụa đồ phế thải, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường biển. Ông Hoàng Văn Quý, một người dân tại xã Hoằng Trường bức xúc: “Tôi cũng như nhiều người dân khác sinh sống gần bãi biển rất buồn về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường biển của một số du khách. Họ thản nhiên xả các loại vỏ đồ uống, ăn ra bãi tắm rồi bỏ đi, Nếu tình trạng này không được cải thiện, tôi e một ngày không xa biển Hải Tiến sẽ đánh mất đi vẻ đẹp hoang sơ, trong lành vốn có của mình!”.

Biển Thiên Cầm- giảm 70% lượng khách

Ghi nhận của nhóm phóng viên tại biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho thấy, tình trạng cá chết hàng loạt tại vùng biển từ phía Nam Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên-Huế đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch tại biển Thiên Cầm.

Ông Hoàng Xuân Hướng- Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Thiên Cầm cho biết: Từ ngày 30/4 về trước, nếu so với những năm ngoái thì lượng du khách về Thiên Cầm giảm đáng kể, nhưng từ sáng ngày 1-5 đến nay lượng khách tới vùng biển này bắt đầu đông hơn, khách đã bắt đầu ăn các loại hải sản cũng nhiều hơn, tính đến nay đã có khoảng 5-6 nghìn lượt khách về với Thiên Cầm (giảm 70% so với trước đây).

Trước đó, ngày 30/4, ông Võ Tá Đinh (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) cùng ông Trần Hữu Khanh (Chánh văn Phòng), ông Lê Anh Đức (Giám đốc Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường) cùng nhiều cán bộ, công chức Sở TNMT Hà Tĩnh đã đi tắm tại bãi biển Thiên Cầm. Ông Võ Tá Đinh cho biết, các thông số phân tích mẫu nước ở một số bãi tắm tại Hà Tĩnh đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. “Việc tắm biển, ăn hải sản là quyền của mọi người. Tôi cùng gia đình và các cán bộ đi tắm biển, thưởng thức hải sản và xem như đây là việc bình thường, không có gì xảy ra” - ông Đinh nói.

Từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh tiến hành lấy mẫu, đánh giá chất lượng nước biển tại 6 bãi tắm, khu du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh. Kết quả phân tích cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển- vùng bãi biển tắm, thể thao dưới nước.

Vẫn còn tình trạng “chặt chém”

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, nên nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi du lịch từ trước đó cả tháng. Sapa (Lào Cai) là một trong những địa điểm được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến dịp lễ vừa qua. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhóm phóng viên, trong dịp nghỉ lễ này, do quá “bội thực” du khách nên tại địa phương này đã xảy ra tình trạng “chặt chém”, đội giá phòng nghỉ.

Anh Nguyễn Trọng Thủy, chủ một khách sạn 3 sao tại Sapa cho biết, khách sạn của anh đã kín phòng từ cách thời điểm nghỉ lễ gần 2 tháng. Theo anh Thủy, giống như mọi năm, kỳ nghỉ lễ năm nay, Sapa vẫn là lựa chọn của phần lớn du khách cả Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, do “bội thực” phòng nghỉ, nhiều nhà dân ở đây đã lợi dụng đẩy giá phòng lên. “Đặc biệt, một số nhà nghỉ cách xa trung tâm đã tranh thủ đội giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nhiều khách sạn quy mô vừa và nhỏ đã tận dụng đẩy giá lên 30-40%”- anh Thủy nói.

Chị Hoàng Minh Huệ, một du khách ở Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ lễ này, do lo ngại biển miền Trung bị ô nhiễm nên gia đình đã quyết định đổi kế hoạch sang đi Sapa. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Huệ, gọi điện đặt phòng trước cả tuần nhưng không một khách sạn nào còn chỗ. Chị Huệ quyết định chuyển sang hình thức du lịch Homestay và đã được một nhà dân “chém đẹp” với giá 1 triệu đồng/ đêm.

Không chỉ tại Sapa, theo phản ảnh của nhiêu du khách, một số điểm đến hấp dẫn như Đà Lạt, Hạ Long, cũng xảy ra tình trạng đội giá phòng nghỉ. Theo đó, tại hai địa điểm này, có tình trạng giá phòng bị đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường.

Không chỉ nâng giá phòng nghỉ, một số nơi tiếp tục xảy ra tình trạng nâng giá vé gửi xe. Tại bãi tắm Cửa Lò (Nghệ An) riêng trong ngày 1/5, hàng vạn khách du lịch đổ xô về đây khiến bãi biển đông nghịt. Lợi dụng nhu cầu của khách, các dịch vụ gửi xe, nước giải khát, ăn uống… có cơ hội chặt chém.

Cụ thể, giá vé gửi xe máy từ 10.000 - 20.000 đồng/xe, ô tô 40.000 - 50.000 đồng/xe. Ông Nguyễn Đinh Xuân (68 tuổi, ngụ xã Nghi Trường, H.Nghi Lộc, Nghệ An) nói: “Sáng nay chúng tôi xuống đây tắm biển và gửi xe tại bãi gửi xe số 5 nhưng họ chỉ lấy 10.000 đồng. Chiều nay, tôi cũng gửi xe tại đây thì họ lấy 20.000 đồng và cho biết giá gửi xe đã thay đổi vì khách đông quá”. Theo ghi nhận, dọc theo bãi biển Cửa Lò, rất nhiều bãi gửi xe tự phát mọc lên, chèo kéo và chặt chém khách du lịch khiến khung cảnh rất nhốn nháo. Do trời oi bức nên hàng loạt quán giải khát mọc lên như nấm với giá bán gấp đôi so với ngày thường khiến nhiều du khách rất bức xúc.

Mặc dù đây đó vẫn còn tình trạng “chặt chém” khách du lịch, song, vẫn cần phải thừa nhận, vấn nạn này đã ngày càng giảm dần theo thời gian do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương cũng như các nhà làm quản lý ngành du lịch. Theo khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, ngành du lịch đang hoàn thiện dự thảo quy tắc ứng xử nhằm hạn chế thấp nhất những hành vi ứng xử thiếu văn hóa đồng thời nâng cao ý thức của người dân Việt Nam và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt thời gian tới.

Nhóm Phóng viên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch dịp nghỉ lễ: Chưa hết nạn 'chặt chém'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO