Giải 'cơn khát' cho đồng bằng sông Cửu Long

Hải Nhi 29/05/2020 08:00

Với khoảng 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt của toàn vùng ĐBSCL, Bộ NNPTNT đang khẩn trương tìm các giải pháp ứng phó theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”.

Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, có khoảng 96 nghìn hộ dân (tương đương 430.000 người) đang thiếu nước sinh hoạt. Ngành nước nông thôn đã hỗ trợ 20.600 hộ từ công trình cấp nước tập trung (chiếm 22%), 75.400 hộ được cấp nước từ hộ gia đình (chiếm 78%), tập trung chủ yếu tại 7 tỉnh: Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ.

Để giải “cơn khát” nước sinh hoạt cho người dân nông thôn vùng ĐBSCL, tại Hội nghị đánh giá hiện trạng và giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh vùng ĐBSCL vừa được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cần tập trung bàn sâu, thấu đáo về mặt kỹ thuật đưa ra giải pháp càng cụ thể càng tốt.

Góp tiếng nói từ địa phương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết đề xuất, để đạt được 100% hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt theo quy chuẩn thì cần nguồn vốn rất là lớn, trên 1.000 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các hệ thống, công trình phục vụ và cung cấp nước. Vì thế, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Trung ương cần hỗ trợ 60% vốn, tỉnh đối ứng 40% để đầu tư xây dựng các công trình chứa nước, ứng phó với hạn mặn.

Trước đó, tại nhiều hội thảo, hội nghị, vấn đề thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL đã được các chuyên gia, nhà khoa học đề cập. Vấn đề cần làm ngay lúc này, theo PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, là hỗ trợ người dân tích trữ nước sinh hoạt. Còn về lâu dài, phải tính đến chuyện đưa nước ngọt từ dòng Mê Công về Cà Mau và coi đây là giải pháp cơ bản.

Còn GS Tăng Ðức Thắng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, Cà Mau phải đồng thời tính thêm các cách thức khoa học trong việc trữ nước mưa cung cấp cho người dân vùng ngọt. Bởi hạn hán là do thiếu nước ngọt. Vì thế, song hành các giải pháp dẫn nước ngọt và trữ nước ngọt, tỉnh cần nghiên cứu và áp dụng phương thức canh tác hợp lý, có thể chuyển trồng lúa ở vùng chưa bảo đảm giữ được ngọt sang mô hình lúa - tôm.

Liên quan tới việc ưu tiên nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, GS Võ Tòng Xuân gợi ý, vùng ÐBSCL cần giảm diện tích trồng lúa ở vùng bị hạn, mặn và thiếu nước ngọt để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái, nhằm sử dụng ít nguồn nước hơn. Nguồn nước ngọt tiết kiệm này ưu tiên sử dụng phục vụ sinh hoạt cho người dân vào mùa khô hạn.

“Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL phù hợp điều kiện tự nhiên của toàn vùng và các tiểu vùng, từ đó có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp. Trên cơ sở đó, các địa phương có kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm” - GS. Võ Tòng Xuân nói.

Và với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai và đa dạng các giải pháp cấp nước sạch nông thôn hiệu quả. Đi đôi với đó là bảo đảm chất lượng nguồn nước, tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong nhân dân, bảo vệ môi trường.

Về lâu dài, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp các bộ ngành có liên quan triển khai các công trình thủy lợi nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô cho cả vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó xây dựng hành lang pháp lý về nước sạch nông thôn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích và công bằng trong sử dụng nước cho người dân nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải 'cơn khát' cho đồng bằng sông Cửu Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO