Hà Nội với 3 kịch bản trong dịch Covid-19

Hạnh Nhân 08/04/2020 07:30

UBND thành phố Hà Nội vừa đề ra 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I của thành phố ước tăng 3,72%.

Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (quý I/2017 tăng 6,48%; quý I/2018 tăng 6,98%; quý I/2019 tăng 6,95%). Mức tăng này thấp hơn của cả nước là 3,82%.

Hà Nội với 3 kịch bản trong dịch Covid-19

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TP yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.

Những giải pháp cấp bách

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covd-19.

Cụ thể, kịch bản 1 là dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19”, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế, xã hội. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TP yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm…Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên người, nhất là trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để xảy ra dịch chồng dịch…

Giãn cách xã hội là biện pháp tối ưu

Liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý cơ quan chức năng về trường hợp được phát hiện dương tính là bệnh nhân Q.Q.T, 47 tuổi, đến khám tại Khoa Miễn dịch dị ứng (BV Bạch Mai) từ ngày 12/3. Đến ngày 4/4, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xét nghiệm, đến tối 5/4 cho kết quả dương tính với Covid-19. Như vậy là 23 ngày sau khi vào khám ở BV Bạch Mai mới cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Hà Nội với 3 kịch bản trong dịch Covid-19 - 1

Các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu tại Hà Nội đều tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Chung, trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp phát bệnh chậm, lâu nhất ở Trung Quốc đến 39 ngày mới phát bệnh. “Do đó, cần lưu ý rà soát, còn bao nhiêu người liên quan đến BV Bạch Mai các ngày từ 10 – 25/3 thì phải cách ly nghiêm túc. Có lẽ phải kéo dài thời gian cách ly, chứ không chỉ là 14 ngày. Trước mắt, có thể yêu cầu cách ly thêm 14 ngày nữa”- ông Chung nói.

Trước nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị của thành phố không được lơ là, phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát.

Nhấn mạnh biện pháp giãn cách xã hội là tối ưu, hiệu quả nhất lúc này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị và nhân dân thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU của Thành ủy Hà Nội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày nữa hoặc hơn, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình đề phòng nguy cơ tái phát và để hạn chế lây nhiễm chéo Covid-19. Đối với những trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai (và bệnh nhân số 237) cần phải tiếp tục cách ly tại nhà đến ngày 15/4, thậm chí là đến ngày 20/4.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố uỷ thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hai do dịch bệnh Covid-19. Về ngành nghề cho vay, sẽ ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội với 3 kịch bản trong dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO