Hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn

Nguyên Khánh 01/04/2020 08:00

Trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan có liên quan tính đến gói hỗ trợ an sinh xã hội. Trên thực tế, nhiều người lao động thu nhập thấp không có tích lũy sẽ rất khó khăn trong thời gian tới.

Hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn

Những người làm nghề tự do, trong đó có nhiều người bán vé số sẽ gặp nhiều khó khăn nhất. Ảnh: Quốc Trung.

Nhiều người mất việc, cuộc sống khó khăn

Từ lúc có dịch đến giờ đã tác động tới mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là với những người lao động phổ thông, người lao động ở khu vực phi chính thức. Anh Thắng, một thợ sửa xe tại Hà Nội cho biết, công việc của anh hầu như đứt đoạn.

Chị Vui- công nhân ở khu công nghiệp Gián Khẩu, Gia Viễn, Ninh Bình cho biết, chị là công nhân mới, chưa ký hợp đồng chính thức. Đợt này công ty không có hàng làm nên công nhân mới vào làm hay đang làm thời vụ đều bị cho nghỉ. Chị Vui nghỉ được hơn một tuần rồi, đang chờ công ty thanh toán nốt tháng lương cuối để trả tiền trọ tháng này. Trong túi giờ chỉ có vài trăm ngàn để lo ăn uống. Tiền lương tháng còn lại được sẽ trả tiền trọ, lo ăn uống. Nếu dịch bệnh kéo dài, chị cũng không biết xoay sở thế nào.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn DN. Như vậy cũng đồng nghĩa toàn bộ người lao động trong hàng ngàn DN này bị thiếu việc làm, thất nghiệp.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, riêng với lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có 747 DN khai báo tạm dừng kinh doanh có thời hạn (tăng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019); lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cũng có tới hơn 6.000 DN (tăng 119%); DN trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí cũng tăng hơn 116% DN tạm dừng hoạt động.

Theo thống kê của LĐTBXH, đến giữa tháng 2/2020, có khoảng 9.000 lao động bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất, làm hơn 1.000 lao động (ở 22 tỉnh/thành) bị mất việc làm.

Hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, không phải chỉ đến khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Chính phủ mới nghĩ đến một gói an sinh xã hội, mà từ trước đến nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô luôn đi kèm với đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, trong điều kiện người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cần càng nhiều giải pháp cứu trợ kịp thời. Do đó, với những khu vực bị ảnh hưởng khiến tăng trưởng không đạt thì phải kích cầu ở những khu vực đó để họ tăng trưởng và khôi phục sản xuất.

Còn những DN không bị dịch tác động, không bị ảnh hưởng thì cũng phải có biện pháp thúc đẩy tăng nhanh lên để bù cho DN không đạt được kế hoạch. Đây là chiến lược hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhân lực của đất nước do đó Chính phủ và cơ quan phải định hình chính sách, chương trình kế hoạch bài bản để giúp cho các DN phát triển.

Ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần sự chung sức giữa Nhà nước và DN để bảo đảm đời sống cho người lao động. Về gói hỗ trợ, theo ông Huân, Bộ LĐTBXH cần tính toán, xác định rõ bao nhiêu người lao động đã mất việc, bao nhiêu người lao động đang bị ảnh hưởng do dịch để sớm kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Vẫn theo ông Huân, có 2 đối tượng cần hỗ trợ là người lao động thiếu việc làm và người lao động mất việc làm. Đối với người lao động mất việc do dịch Covid-19, ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thêm họ một khoản thu nhập. Với người mất việc làm, ngoài hỗ trợ để người dân vượt qua khó khăn, thì cần tính đến hỗ trợ đào tạo nghề để họ có thể đi tìm việc làm mới. Với lao động thiếu việc làm, phải giãn, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tính toán hỗ trợ thêm cho người lao động khi họ bị giảm lương, giảm thu nhập.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cách hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt cần tránh trường hợp triển khai các gói hỗ trợ một cách chậm chạp, không minh bạch, sẽ không giúp được người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO