Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học: Những bước chuyển mình

Thu Hương 28/08/2017 07:55

Là một nhiệm vụ trong kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong năm học 2016-2017 Bộ GD&ĐT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTO).

Những tín hiệu khả quan

Hiện Bộ GD&ĐT đang quản lý 6.628 lưu học sinh (LHS) theo diện học bổng ngân sách nhà nước (NSNN)và diện hiệp định tại 46 quốc gia.

Trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã cử đi 1.771 LHS, trong đó có 845 tiến sĩ (48%), 314 thạc sĩ (18%) và tiếp nhận về nước 1252 LHS.

Đến tháng 6/2017 đã và đang tổ chức tuyển sinh 17 trong tổng số 19 chương trình học bổng hiệp định năm 2017 của các nước dành cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang theo dõi và quản lý 15.156 LHS của 56 quốc gia đang học tập tại Việt Nam, trong đó diện Hiệp định là: 3.199 LHS của 16 nước. Năm học 2016-2017, có 1.115 LHS diện hiệp định tốt nghiệp và tiếp nhận mới 750 LHS của 15 nước.

Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với nước ngoài về hợp tác giáo dục. Riêng trong năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã ký kết 17 thỏa thuận quốc tế về công nhận văn bằng, tín chỉ với các nước trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, Bộ đã cấp phép mới 20 chương trình LKĐT, phê duyệt gia hạn 6 chương trình và phê duyệt điều chỉnh 2 quyết định phê duyệt LKĐT với nước ngoài.

Đây là một trong những kết quả tích cực từ việc thí điểm mô hình giáo dục của một số nước có nền giáo dục tiên tiến; LKĐT với nước.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT chú trọng đẩy mạnh việc mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến trường giảng dạy và nghiên cứu. Thống kê từ báo cáo của các cơ sở đào tạo, năm học 2016-2017 có tổng cộng 3.214 chuyên gia/giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và NCKH tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam (năm học 2015-2016 có 2.771 chuyên gia/giảng viên nước ngoài), trong đó những trường có nhiều chuyên gia/giảng viên nước ngoài đến làm việc là: Trường ĐH Cần Thơ (1056 chuyên gia, giảng viên); ĐHQG Hà Nội (461 chuyên gia, giảng viên); ĐH Y Hà Nội (400 chuyên gia, giảng viên); ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (267 chuyên gia, giảng viên); Học viện Ngoại giao (126 chuyên gia, giảng viên).

Đánh giá về việc chủ động hội nhập của các cơ sở đào tạo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng một số cơ sở đào tạo đã chủ động, tiên phong trong việc thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các lĩnh vực công nghệ mới được chuyển giao bao gồm: phương pháp dạy - học, xây dựng và phát triển chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy; phát triển tổ chức và đội ngũ, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục và quản trị cơ sở giáo dục.

Giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế

Bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện nay quá trình quốc tế hoá giáo dục ĐH chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức so với yêu cầu và tiềm năng, chưa có được sự hỗ trợ thúc đẩy mang tính hệ thống và cơ chế khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở giáo dục ĐH đưa quốc tế hóa giáo dục trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của mình.

Các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước chưa được kết nối chặt chẽ để tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ, tổng thể cho quốc tế hóa giáo dục ĐH.

“Hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH chưa thực sự toàn diện và thực chất. Quốc tế hóa mới chỉ được quan tâm ở một số cơ sở giáo dục ĐH có uy tín ở những thành phố lớn. Một số cơ sở chủ động xây dựng chiến lược quốc tế hóa và cam kết thúc đẩy quốc tế hóa như là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường. Hội nhập quốc tế cũng không đồng đều giữa các địa phương”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Từ công tác tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng diện Hiệp định và NSNN cho thấy: số lượng ứng viên đăng ký và được cử đi học tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn.

Việc tiếp cận thông tin về các chương trình học bổng nói chung của các địa phương ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.

Việc trao đổi sinh viên vẫn chủ yếu diễn ra một chiều, số lượng sinh viên nước ngoài tới học còn rất hạn chế. Công tác quản lý tư vấn du học ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ và kịp thời dẫn đến việc cung cấp dịch vụ và thông tin không đầy đủ, chính xác từ các công ty tư vấn du học làm ảnh hưởng đến quyền lợi người học.

Để đẩy mạnh quá trình này, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhằm tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.

Bộ GD&ĐT cũng trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, theo đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam; ban hành Kế hoạch hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng giáo dục phổ thông; khoa học và công nghệ; chương trình trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên; hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2017-2020 của Bộ thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

Hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Đề án Quốc tế hoá GDĐH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học: Những bước chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO