Hơn một triệu người khuyết tật nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế

Lê Bảo 06/04/2019 05:09

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có hơn một triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, bao gồm cả nạn nhân bom mìn, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ BHYT.

Cụ thể, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành.

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, nạn nhân bom mìn là trẻ em, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng chế độ trợ giúp xã hội.

Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Theo đó đến nay, cả nước có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ BHYT.

Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019. Một trong những nội dung của Nghị định là nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được Nhà nước hỗ trợ y tế ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm và bảo trợ xã hội. Nạn nhân bom mìn được hưởng các quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Nhóm đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua BHYT và được hưởng chính sách BHYT theo quy định.

Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm gần 20% tổng diện tích của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, tại Việt Nam số bom mìn tồn sót phát nổ đã khiến hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương - phần lớn là lực lượng lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ.

Ở các tỉnh miền Trung, kể từ sau khi hòa bình được lập lại, tại những nơi phải hứng chịu nhiều bom đạn, vật nổ trong chiến tranh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định… có tới 22.800 người dân tiếp tục chịu hậu quả từ bom, mìn, trong đó hơn 10 nghìn người chết và 12 nghìn người bị thương tật suốt đời. Hơn 40 năm chiến tranh đã qua đi, nhưng những vết thương, cái chết do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn một triệu người khuyết tật nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO