Kiểm định chất lượng: Để các trường thấy chỗ mạnh, yếu

Phương Linh (thực hiện) 11/01/2016 12:25

TS Phạm Thị Ly- Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (ĐHQG TP HCM) hi vọng, các trường sẽ thực hiện kiểm định, không phải chỉ để được công nhận là đã được kiểm định, mà thông qua việc kiểm định họ thấy được chỗ mạnh và yếu của mình, thấy được mình cần cải thiện chỗ nào.

Kiểm định chất lượng: Để các trường thấy chỗ mạnh, yếu

TS. Phạm Thị Ly.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã trao quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có 3 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG HN, ĐHQG TP HCM, và ĐH Đà Nẵng. Theo TS Phạm Thị Ly- Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (ĐHQG TP HCM): Những Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này sẽ cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Kết quả kiểm định cũng được xem là cơ sở để phân tầng, xếp hạng các trường.

PV: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho ra đời 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Chính phủ cũng đã có Nghị định 73 về phân tầng xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Theo bà, sự ra đời của các trung tâm kiểm định này có ý nghĩa như thế nào đối với việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH?

TS Phạm Thị Ly: Tôi nghĩ kiểm định có vai trò rất quan trọng. Trong Nghị định 73 của Chính phủ cũng nói rõ việc phân tầng xếp hạng được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm định, hay nói một cách khác đi kết quả kiểm định là một điều kiện để thực hiện phân tầng và xếp hạng.

Khi mà các tổ chức kiểm định ra đời ngày một nhiều, thì các trường cũng sẽ có nhiều lựa chọn. Có thể cũng có sự không hợp tác sòng phẳng, thưa bà?

- Tôi nghĩ ra đời nhiều trung tâm kiểm định khác nhau là một điều rất tốt. Luôn luôn đa dạng là tốt.

Tuy nhiên để các trường hợp tác với các trung tâm kiểm định này, để kiểm định thực sự được đầy đủ và khách quan cũng là một thách thức rất lớn?

- Các trường là khách hàng của các trung tâm kiểm định, và họ sẽ là người phải đánh giá xem trung tâm kiểm định nào có uy tín, và hoạt động của trung tâm kiểm định nào là thực sự hữu ích cho các trường. Cái mà tôi hi vọng là sau này các trường sẽ thực hiện kiểm định, không phải chỉ để được công nhận là đã được kiểm định, mà thông qua việc kiểm định họ thấy được chỗ mạnh và yếu của mình, thấy được mình cần cải thiện chỗ nào. Tôi thấy rằng đó mới thực sự là mục tiêu của các trung tâm kiểm định. Trung tâm kiểm định nào có thể giúp các trường làm những điều đó, làm các trường hiểu rõ bản thân họ hơn, hiểu rõ con đường sắp tới của họ hơn thì trung tâm đó sẽ được sự tín nhiệm của các trường.

Liệu các trường có lo lắng, thông tin của mình bị xã hội biết đến nhiều quá không?

- Tôi nghĩ, trong thời đại công nghệ truyền thông kỹ thuật số, việc lảng tránh hay che dấu thông tin không phải là một chiến lược tốt.

Hiện nay có 4 trung tâm, nhưng chỉ có 1 trung tâm độc lập còn 3 trung tâm là theo ngân sách Nhà nước. Liệu những trung tâm theo ngân sách có rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” không?

- Về mặt lý thuyết thì có thể như vậy, nhưng quan trọng nhất vẫn là chiến lược và cách làm của từng trung tâm. Tại vì, tuy là trung tâm thuộc về nhà nước nhưng họ cũng vận hành trong một cơ chế thị trường. Tôi nghĩ các trường không bị bắt buộc phải kiểm định ở một trung tâm nào cả, thì chính sự lựa chọn của các trường sẽ đặt ra áp lực cho các trung tâm là họ phải vận hành như thế nào để thật sự có ích cho các trường.

Bà có băn khoăn điều gì xung quanh việc kiểm định, gắn với quá trình phân tầng, xếp hạng không?

- Kiểm định, phân tầng và xếp hạng là những thứ khác nhau. Nhưng chúng ta dựa trên Nghị định 73, đọc trên văn bản thì hình như không có sự phân biệt giữa kiểm định, xếp hạng, phân tầng. Tôi nghĩ sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để làm rõ sự khác biệt giữa 3 mục tiêu này, và sẽ phải xây dựng tiêu chí cũng như cách làm phù hợp. Bởi vì kiểm định, xếp hạng và phân tầng có mục tiêu khác nhau, bản chất khác nhau. Cho nên chúng ta cần phải có cách làm khác nhau.

Tôi cũng thấy rất băn khoăn về chủ trương dùng xếp hạng như là một công cụ để quản lý nhà nước. Nếu dùng phân tầng hay phân loại để quản lý nhà nước thì có thể rất dễ đồng tình, vì có một thực tế là hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam trong 2 thập kỷ qua phát triển rất tự phát. Và các trường thì thiếu sự đa dạng trong hệ thống, cho nên phân loại là cần thiết. Nhưng xếp hạng lại là một vấn đề khác.

Trong thời đại hội nhập, chúng ta không thể tách mình khỏi dòng chảy chung của hệ thống giáo dục toàn cầu. Tất cả các trường ở các nước khác họ cũng đang chịu áp lực về xếp hạng. Chúng ta cũng như vậy thôi. Tôi nghĩ xếp hạng có hai mặt của nó, có mặt tích cực là giúp cho các trường biết mình đang ở đâu trong hệ thống so với trường khác. Mình hay chỗ nào, dở chỗ nào. Nhận thức được mình trong hệ thống là việc rất quan trọng để xác định con đường mình phải đi. Nhưng dĩ nhiên xếp hạng có mặt trái, tác động tiêu cực của nó mà người ta đã nói nhiều rồi.

Có thể nói vắn tắt, việc xếp hạng tạo ra tâm lý chạy theo thành tích, khiến cho các trường đặt trọng tâm hoạt động của mình vào những chỉ tiêu được tính đến trong các bảng xếp hạng. Hay nói cách khác những chỉ tiêu, tiêu chí dùng để xếp hạng trở thành mục đích tự thân của các trường, thay vì là phục vụ cho người học, phục vụ cho xã hội thì điều đó nó làm lạc hướng sứ mạng của các trường… Đó là tác động không mong muốn của việc xếp hạng.

Chính vì vậy mà sau này, các hệ thống xếp hạng trên thế giới họ đã biến đổi và phát triển rất nhiều. Hiện nay người ta không đặt trọng tâm vào việc tính đếm đo đếm chỉ số để trả lời cho việc ai thứ nhất ai thứ nhì, cái đó không quan trọng nữa. Mà các bảng xếp hạng hiện nay đã tiến tới chỗ: Họ thu thập khối lượng thông tin khổng lồ của tất cả các trường và họ xử lý tất cả thông tin đó, để đem lại thông tin cho các trường, để phục vụ cho việc lập kế hoạch và cải thiện hoạt động cảu các trường. Nó trở thành một cái gì vượt xa mục tiêu ban đầu là tính đếm xem ai tốt nhất ai tốt nhì…

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm định chất lượng: Để các trường thấy chỗ mạnh, yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO