Kiểm soát quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế phải quyết liệt hơn

Khanh Lê 14/09/2019 08:00

Đây là những đề xuất đáng chú ý tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành đánh giá kết quả công tác 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức mới đây.

Kiểm soát quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế phải quyết liệt hơn

8 tháng đầu năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã có nhiều kết quả tích cực.

Nhiều kết quả khả quan

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm nay đều đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có khoảng 15,08 triệu người tham gia BHXH; 12,88 triệu người tham gia BH Thất nghiệp và 85,14 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) - đạt tỉ lệ bao phủ 89,7% dân số. Số thu toàn ngành đạt trên 63,6% so với kế hoạch được giao.

Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được cơ quan BHXH kịp thời đáp ứng, với 14,9 triệu sổ BHXH đã được cấp- đạt 99,4% trên tổng số người tham gia BHXH. Trong đó, có gần 13,5 triệu sổ BHXH đã được bàn giao cho người lao động (NLĐ) - đạt 99,39% trên tổng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải trả sổ BHXH. Trong 8 tháng đầu năm, toàn ngành cũng đã giải quyết 75.587 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 569.860 hồ sơ hưởng trợ cấp 1 lần và trên 6,8 triệu lượt người được xét hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe.

Cơ quan BHXH đã phối hợp với ngành LĐTBXH giải quyết cho 544.062 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 119.444 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú, với số ước chi khoảng 68.671 tỉ đồng...

Đáng chú ý, công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT được ngành BHXH thực hiện đi vào thực chất, không chỉ là đạt được các chỉ số đẹp, mà thực sự phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện, giảm được khối lượng lớn công sức của cán bộ ngành BHXH.

Trục lợi BHYT chưa có dấu hiệu giảm

Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo của BHXH cũng cho biết, tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở, ngành liên quan còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH Thất nghiệp vẫn còn xảy ra như giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản; gian lận vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp để trục lợi quỹ BH Thất nghiệp...

Đáng chú ý, với chính sách BHYT, dù đã có nhiều biện pháp để kiểm soát chi phí KCB BHYT; tuy nhiên tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Tình trạng chỉ định thuốc, xét nghiệm quá mức cần thiết, lợi dụng chính sách thông tuyến để đi KCB nhiều lần tại nhiều cơ sở KCB vẫn còn chưa được khắc phục...

“Đến thời điểm hiện nay, có một số tỉnh có số vượt dự toán rất cao (Đắk Nông, Ninh Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long...); vượt chi so với cùng kỳ năm trước (Lạng Sơn, TPHCM, Cần Thơ, Huế, Vĩnh Long...). Một số địa phương có tỉ lệ điều trị nội trú cao so với trung bình toàn quốc (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng...)- ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết.

Để có thể giải quyết triệt để thực trạng lạm dụng quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu BHXH các địa phương phải phân định rõ trách nhiệm trong hoạt động quyết toán chi phí KCB BHYT tại địa phương. Từ trường hợp của BHXH tỉnh Gia Lai, cho thấy việc kiểm soát quỹ KCB BHYT đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt hơn nữa, có nhiều giải pháp sát thực tế, thậm chí giám định trực tiếp ngay tại các cơ sở y tế có chi phí bất thường...

Trước thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng gia tăng, mới đây Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT- BYT ngày 9/9/2019 yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, KCB. Theo đó Chỉ thị số 10 cũng nêu rõ, thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT, đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn; sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành BHXH trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh. Chính vì vậy để chấn chỉnh cũng như kịp thời ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ BHYT, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường công tác tự kiểm tra, phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế phải quyết liệt hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO