Lên phương án bảo vệ người lao động

Lê Bảo 25/02/2020 08:00

Ngày 24/2 trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh SARS-CoV-2, đặc biệt là một số quốc gia có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động lên phương án bảo vệ người lao động làm việc ở những quốc gia có diễn biến dịch “báo động đỏ”, đồng thời yêu cầu các Sở LĐTBXH rà soát, quản lý chặt chẽ những lao động nước ngoài đến từ vùng dịch làm việc ở Việt Nam.

Lên phương án bảo vệ người lao động

CBCNV của Dược Hậu Giang được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc. Nguồn: TT.

Khẩn trương rà soát lao động

Bộ LĐTBXH cho biết, hiện Hàn Quốc có trên 48.000 người lao động Việt Nam làm việc hợp pháp và khoảng 11.000 lao động người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp. Tại Nhật Bản, hiện có trên 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như qua kênh ngoại giao, chưa ghi nhận có trường hợp người lao động Việt Nam nào ở Nhật Bản hay Hàn Quốc bị dính SARS-CoV-2.

Mặc dù vậy để bảo đảm an toàn cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này. Theo đó rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường (chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước đó). Đặc biệt phải lên các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000 - 5.000 ngàn người, từ 5.000 - 20.000 người)…

Để bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam làm việc tại quốc gia có diễn biến dịch “báo động đỏ”, ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, hiện nay Cục đã lên kế hoạch cụ thể và phương án xử lý, tuy nhiên các phương án còn báo cáo Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao thống nhất khi có tình huống xấu xảy ra. Trước mắt, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm thông tin về lao động Việt Nam, có những hướng dẫn để người lao động yên tâm, chủ động cách phòng chống dịch theo quy định…

“Hiện nay thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Ban Quản lý lao động Việt Nam tại 2 quốc gia này cũng đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24h, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân. Liên hệ, thăm hỏi các công dân Việt Nam đang sinh sống ở khu vực có dịch, động viên và đề nghị bà con tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của các chính quyền sở tại”- ông Liêm cho biết.

Quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Với thị trường lao động trong nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Việc làm khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. trong đó tiến hành rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới. Đồng thời nêu các phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc. Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên phương án bảo vệ người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO