Nâng cảnh báo đối phó với virus Zika lên mức 2

Trần Ngọc Kha 30/03/2016 23:35

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiều ngày 30/3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch - Bộ Y tế họp khẩn cấp trực tuyến với sự tham dự của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang bàn biện pháp đối phó với nguy cơ dịch bệnh Zika. 

Một ca nhiễm virus Zika tại Australia.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Tổ chức Y tế thế giới WHO, tính đến ngày 30/3, trên thế giới đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành và lây truyền virus Zika, đặc biệt lưu ý tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có nhiều nước ghi nhận sự lưu hành của virus Zika như: Thái Lan, Philipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Australia. Riêng trong tháng 3 đã có thêm 30 nước thông báo có người mắc căn bệnh này.

Đến nay, 3 nước báo cáo ghi nhận có sự gia tăng căn bệnh đầu nhỏ, có liên quan đến virus Zika như: Brazin (907 ca), French Polynesia (8 ca) và Panama (1 ca). Ngoài ra, tại Mỹ và Slovenia cũng đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ. Đã có bằng chứng cho thấy, bệnh do virus Zika có thể được lây do muỗi truyền qua đường máu và đường tình dục. Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây qua đường sữa mẹ. Căn bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục lan rộng và tình trạng dịch đã được cộng đồng thế giới đánh giá ở mức khẩn cấp và hết sức quan ngại.

Cục Y tế dự phòng cho hay, tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã tiến hành thu thập và xét nghiệm 784 mẫu để tìm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố. Tất cả các mẫu đều cho kết quả âm tính với virus Zika. Điều này cho thấy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đem lại. Sáng 30/3, Bộ Y tế đã bác bỏ thông tin được loan từ một trang mạng rằng có 4 người tại tỉnh Khánh Hoà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện vẫn chưa được cung cấp danh tính cũng như lộ trình di chuyển tại Việt Nam của du khách người Australia nhiễm căn bệnh này sau khi từ Việt Nam trở về thời gian qua. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đề nghị nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika lên mức 2, đặc biệt tại những tỉnh vừa có du khách người Australia đi qua.

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: Dịch bệnh do virus Zika hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta và lây lan ra cộng đồng do nhu cầu đi lại rộng rãi giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là với các nước trong khu vực. Bệnh chưa có thuốc chữa và vắcxin dự phòng. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, để đối phó với dịch bệnh, cần làm tốt khâu phòng bệnh. Bộ trưởng chỉ đạo các cấp các ngành phải hết sức cảnh giác với dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu hàng không, đường biển. Cần thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát dịch bệnh bằng thân nhiệt cũng như lấy mẫu xét nghiệm để loại trừ, phát hiện bệnh sớm.

Muốn phòng chống dịch bệnh, theo Bộ trưởng Tiến, người dân cần thực hiện một số biện pháp như phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy. Đối với việc lấy mẫu bệnh phẩm, Bộ trưởng yêu cầu một mặt các viện gửi mẫu ra Hà Nội trưng cầu giám định của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần gửi thêm cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để thực hiện kiểm tra chéo.

Gần 4 triệu du khách đã qua cửa khẩu sân bay Nội Bài trong quý 1/2016, lưu lượng du khách qua Sân bay Tân Sơn Nhất 18.000 người/ngày, theo các báo cáo của cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu này nhờ có giám sát chặt chẽ nên đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Tuy nhiên, qua ý kiến phát biểu của các địa phương cũng như các cơ quan y tế, tất cả đã sẵn sàng đến mức cao nhất có thể đối phó trước dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhất trí nâng mức báo động dịch bệnh do virus Zika lên mức 2.

Cục Y tế dự phòng cho hay, tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã tiến hành thu thập và xét nghiệm 784 mẫu để tìm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố. Tất cả các mẫu đều cho kết quả âm tính với virus Zika.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cảnh báo đối phó với virus Zika lên mức 2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO