Ngày càng ít báo sống được bằng độc giả

29/06/2017 15:30

Theo nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên, rất dễ nhận ra ngày càng có ít tờ báo có thể tự sống được bằng độc giả. Vì thế, nhận các khoản tiền từ doanh nghiệp để có những bài viết có lợi cho doanh nghiệp là cách nhiều tờ báo đang thực hiện.

Buổi tọa đàm báo chí và sự phát triển của thành phố.

Ngày 29/6, Trường ĐH Văn Lang (Quận 1, TP HCM) đã tổ chức buổi tọa đàm “Báo chí góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo.

Theo ông Dương Trọng Dật (nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng), báo chí có vai trò đầu tàu không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là trong nhiều lĩnh vực khác của cả nước khi luôn góp những tiếng nói đầu tiên, kết nối chính quyền và người dân.

Ngoài ra, ông Dật cũng cho biết báo chí hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết. Đó là sự phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến nhiều nhà báo chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng nhanh nhạy của bạn đọc cũng như xã hội.

Vì thế, đang có một “khoảng trống thông tin” mà báo chí bị hạn chế, bị hụt hơi so với mạng xã hội khiến tự mình đánh mất đi chức năng thông tin của báo chí.

Ông Nguyễn Công Khế phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi tọa đàm, trong vài trò là một chuyên gia kinh tế hiện nay, bà Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) cho biết báo chí đang có nhiều thay đổi, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 10 năm lại đây.

“Với việc nhiều tờ báo gần như chỉ sống bằng nguồn tiền của doanh nghiệp (bán báo, quảng cáo, viết bài PR) nên các tin bài đã không còn tính khách quan, trung thực. Thậm chí có thể nói chỉ những doanh nghiệp có nhiều tiền mới được các báo viết bài khen ngợi. Còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có lợi cho cộng đồng nhưng không có tiền quảng cáo, PR thì lại không được ai nhắc tới…”, bà Kim Hạnh đánh giá.

Với thực tế này, báo chí đang có những tác động tiêu cực tới việc cạnh tranh, làm ăn và phát triển chung của nền kinh tế.

Cũng nói về những tiêu cực và việc hạn chế tiêu cực của báo chí hiện nay, ông Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên) cho rằng, báo chí hiện nay mặc dù nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước nhưng lại bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, doanh nghiệp khác nhau.

“Rất dễ nhận ra ngày càng có ít tờ báo có thể tự sống được bằng độc giả. Vì thế, nhận các khoản tiền từ doanh nghiệp để có những bài viết có lợi cho doanh nghiệp là cách nhiều tờ báo đang thực hiện. Có thể những bài viết đó không vi phạm pháp luật nhưng chắc chắn nó có sự định hướng dư luận và tạo ra một sân chơi không lành mạnh, khi những doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp không bỏ tiền PR cho báo chí. Vì thế, rất nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài sẽ xảy ra, khi mà các thông tin không được trung thực vẫn ngày ngày xuất hiện trước công chúng”, ông Khế phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày càng ít báo sống được bằng độc giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO