Những người về Tết muộn

Trần Ngọc Kha 18/02/2016 06:49

Khi mọi người bắt đầu đi làm sau kỳ nghỉ dài 9 ngày, thì những người làm công tác xã hội ở BV Nhi Trung ương mới được dịp chia nhau những ngày nghỉ Tết một cách thực sự. “Lúc này có cho họ nghỉ cả tuần nữa cũng chả nghĩa lý gì, vì giờ còn ai ở nhà nữa mà đến chơi thăm hỏi, chúc tụng nữa...” - Trưởng Ban Công tác xã hội Dương Thị Minh Thu của BV nói với chúng tôi. 

Những người về Tết muộn

Những suất cơm, quà Tết của các nhà tài trợ đã được đến tận tay người bệnh.

Những cái Tết muộn như vậy đến với họ từ năm 2008, khi đơn vị này được thành lập, mới chỉ là một tổ công tác xã hội thuộc Ban chỉ đạo tuyến của BV này. Gần chục năm qua, không chỉ vào những dịp Tết đến, xuân về mà trong tất cả những ngày lễ khác như Tết Dương lịch, Tết Trung thu, Noel, 30-4, 2-9..., họ thường phải chấp nhận nghỉ sau mọi người để dành thời gian phát phiếu cơm cho bệnh nhân, kết nối cho các mảnh đời khó khăn nhận được trợ giúp của các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội.

Với các bác sĩ, điều dưỡng, họ còn có thể thay phiên nhau vì đội ngũ khá đông chứ với những người làm công tác xã hội ở đây chỉ vẻn vẹn có 6 người chưa kể trưởng phòng, buộc tất cả họ phải chấp nhận hy sinh những giờ phút quý báu nhất bên gia đình, con cái để lo cho người bệnh. “Em ơi! Em “hành” chúng nó vừa vừa thôi” - có người thấy vậy buột miệng. Nữ Trưởng phòng Công tác xã hội Dương Thị Minh Thu có gương mặt rắn rỏi đến mức tưởng chừng khô khan ấy thừ người một lát rồi kể tiếp: “Với các bạn trẻ này thì em có thể “thương” được nhưng còn bệnh nhân thì sao? Tại những nơi có đông bệnh nhân khó khăn như các Khoa: Ung bướu, Tim mạch, bệnh nhân nhận được đến 18 lượt quà của các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm. Đến chiều 30 Tết vẫn còn có nhà tài trợ vào đây lì xì cho bệnh nhân. Bệnh nhân họ phải chịu bao đau đớn do bệnh tật gây ra, lại phải đón Tết tại BV, tức là họ đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi so với người khác. Chia sẻ hay giúp đỡ được gì cho họ là chúng tôi - những cán bộ công tác xã hội - luôn sẵn lòng. Mọi người còn mang tiền bạc, quà Tết đồ ăn thức uống đến đây làm phước cho họ huống chi là mình, chỉ cần chút hy sinh là có thể giúp người bệnh vượt qua bao khó khăn, đau đớn, sao chúng tôi có thể nỡ nghỉ…”.

Trong suốt 4 ngày Tết Bính Thân vừa qua, hơn 1.000 bệnh nhân lưu trú tại đây và chừng ấy người nhà của họ, vị chi là hơn 2.000 người đã được phục vụ những suất cơm Tết miễn phí, được nhận những phần quà Tết có ý nghĩa như bánh chưng, giò, chả, bánh kẹo... Lúc cao điểm, những người làm công tác xã hội ở đây còn huy động thêm cả người nhà đến hỗ trợ cắt, phát phiếu ăn cho người bệnh. Vậy mà tất cả đều vui vẻ chấp nhận.

“Bằng cách nào mà các chị có thể vượt qua những hy sinh này?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, chị Thu nói: Bệnh nhi là đối tượng dễ thương lắm nên gây lòng trắc ẩn mạnh đối với các nhà tài trợ. Thêm vào đó, BV Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên trong ngành y tế sớm ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động cứu trợ xã hội nên đã cho lập Phòng Công tác xã hội từ năm 2008. “Chúng tôi xác định: Phòng chỉ là cầu nối giữa nhà tài trợ và bệnh nhân chứ không là người trực tiếp nhận quà của các nhà tài trợ. Căn cứ vào tình hình, nhu cầu của bệnh nhân do chúng tôi cung cấp, họ có thể đến trao trực tiếp cho họ. Có lẽ vì cách làm minh bạch, khách quan, công bằng như vậy mà chúng tôi tạo dựng được uy tín cao, tập hợp được bên mình một đội ngũ khá đông đảo những nhà tài trợ từ khắp mọi miền đất nước, đáp ứng được đến 90% nhu cầu của những người bệnh gặp khó khăn. Muốn vậy, hàng ngày các nhân viên công tác xã hội phải đến các khoa phòng phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng và người nhà bệnh nhân thu lượm tình hình, xem những ai khó khăn thực sự cần giúp đỡ.

Với những gì đã, đang và sẽ làm trong hiện tại và tương lai, chị Thu không dám nhận mình là người có công lao gì to lớn mà bản thân luôn chỉ tự hào nói rằng mình là người phúc đức nhất BV. Còn với Vũ Thùy Dung, một trong những nhân viên của phòng đã 3 năm nay không biết đến việc đón Tết tại nhà là gì nhưng vẫn tâm sự: Chưa phút giây nào chị cảm thấy tủi thân hay buồn lòng mà ngược lại luôn cảm thấy may mắn vì mình được làm việc, được góp phần sức lực nhỏ bé giúp đỡ những bệnh nhân kém may mắn tại BV. Do khối lượng công việc quá nhiều mà nhân lực của phòng có hạn, chị em không chỉ có lúc phải huy động thêm cả chồng và con tới giúp sức để cắt tem phiếu cơm cho bệnh nhân như kể trên mà có khi vẫn phải mang con ốm tới BV, vừa làm việc vừa trông con. Kể đến đây, mắt Dung vẫn ánh lên niềm vui, hạnh phúc xen lẫn tự hào. Gần 6 năm nay họ, những bông hoa đẹp bé nhỏ giữa đời thường, dường như không có khái niệm nghỉ Tết để góp sức cho đời thêm sức sống.

Từ ngày 1/1 đến ngày 14/2, Phòng Công tác Xã hội của BV Nhi Trung ương đã trao tặng 33.008 suất cơm miễn phí, 5.840 suất cháo, 5.155 suất quà cho bệnh nhi và người nhà. Bệnh nhi khó khăn được hỗ trợ 950.000 đồng/ người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người về Tết muộn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO